Quân tướng bại trận nhà Minh rút khỏi Đông Quan

Sau Hội thề Đông Quan, Vương Thông gấp rút cho quan quân nhà Minh rời khỏi kinh đô của nước Đại Việt. Lê Lợi và Nguyễn Trãi vốn đề cao việc “lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh” nên đã cấp hàng trăm chiếc thuyền lớn, hàng nghìn con ngựa cùng với đầy đủ lương thực và phương tiện để Vương Thông cùng đoàn tùy tùng và đoàn quân bại trận trở về nước. Lê Lợi cũng lệnh cho quân, dân ở các địa phương không gây khó dễ cho đoàn quân của Vương Thông, để hắn an toàn trở về đến cố quốc.

leloi

Vua Lê Lợi

Khi Vương Thông rút quân khỏi thành Đông Quan, nhiều tướng lĩnh bày tỏ sự bất bình khi Vương Thông không những được bình an rời khỏi Đại Việt, mảnh đất mà hắn đã gây biết bao tội ác khi còn cầm đầu đoàn quân xâm lược nhà Minh, lại còn được cấp lương thảo, ngựa tốt, thuyền lớn để về nước. Những tướng lĩnh này muốn được giết chết Vương Thông cho hả nỗi giận dân lành bị hắn trà đạp, giết chóc trong suốt quãng thời gian dài. Tuy nhiên, Lê Lợi phân tích cho những viên tướng này thấy rõ:

“Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng cái bản tâm của người có nhân không muốn giết người bao giờ. Vả, người ta đã hàng mà lại còn giết thì không hay. Nếu mình muốn thỏa cơn giận một lúc, mà chịu cái tiếng muôn đời giết kẻ hàng, thì sao bằng để cho muôn vạn con người sống mà khỏi được cái mối tranh chiến về đời sau, lại để tiếng thơm lưu truyền thiên cổ trong sử xanh?”

Các tướng đều nghe ra và phục Lê Lợi là vị minh chủ hiền tài, đức độ.

Trước khi quân Minh rút hoàn toàn khỏi Đông Quan, Lê Lợi vẫn ở tại đại bản doanh ở Bồ Đề, Long Biên. Cảm kích trước đức khoan hồng của Bình Định vương Lê Lợi, hết thảy quan quân nhà Minh đều hướng về phía Bồ Đề, Long Biên bái lạy Bình Định vương trước khi cất bước lên đường hồi hương.

Theo sử sách của nhà Minh, ngày 29 tháng 12 năm 1427, Lê Lợi đã trao trả nhà Minh 84.640 người vừa là tù binh, vừa là hàng binh để cùng Vương Thông trở về nước. Sử liệu này cũng ghi, số người bị giữ lại không tính được.

Vì cho rằng quân Lam Sơn vẫn giam giữ nhiều tù binh, nên vua Minh gửi thư yêu cầu Lê Lợi trả hết số người và vũ khí của nhà Minh còn lại trên đất Việt. Kỳ thực, có nhiều người vốn là quân Minh, nhưng không muốn về nước, mà muốn ở lại Đại Việt lập nghiệp, sinh sống nên lẩn tránh lẫn vào cư dân ở khắp nơi. Lê Lợi bèn ra lệnh cấm toàn dân chứa giấu người Hán. Bất cứ ai khi bị phát hiện chứa chấp người Hán đều bị xử tội chết. Trước lệnh ban nghiêm ngặt của Lê Lợi, quân nhà Minh đành phải lần lượt xin ghi tên để về nước.

Đến kỳ không còn người nào ra ghi tên, Lê Lợi bèn cử Đào Công Soạn đi sứ nhà Minh. Lê Lợi cũng gửi cho vua Minh một bức thư, nói rõ sự tình và trao trả lại toàn bộ người và vũ khí còn lại. Theo sách sử còn ghi lại, số quân quan được Lê Lợi trao trả bao gồm 580 người, dân quân là 157 người, kỳ quân là 15.170 người, 1.200 con ngựa.

Hành vi của hai người đối lập nhau hoàn toàn. Việc thúc đòi người, ngựa, vũ khí, mặc dù là nước bại trận, cho thấy bản tính tự đắc như con trẻ của vua Minh. Còn việc tróc nã người Hán lại cho thấy bản tính quân tử của Bình Định vương Lê Lợi – ông không mảy may tơ hào mấy thứ vặt vãnh của nhà Minh. Những người Hán ở lại Đại Việt chẳng qua là không muốn về lại quê cũ nên giữ lại tài sản, lẩn trốn trong dân gian để mong làm một thường dân Đại Việt. Nếu vua Minh là một đấng minh quân, hẳn người của hắn không rũ bỏ tất cả để ở lại Đại Việt như thế.

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button