Hà Nội đón Bằng xếp hạng 5 di tích Quốc gia đặc biệt

Tối 22/2, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, TP Hà Nội đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng 5 Di tích quốc gia đặc biệt.

a1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích trên địa bàn TP Hà Nội, tối 22/2. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tới dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, TP Hà Nội và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

5 di tích được đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, với quan điểm chăm lo bảo tồn các di sản cho muôn đời sau, Hà Nội đã dành nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn các di sản, di tích. Riêng trong 3 năm gần đây TP Hà Nội đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách và từ nguồn xã hội hóa của thành phổ để cải tạo, tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp cho 645 di tích.

Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, di sản trên địa bàn thành phố trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt vừa được nhận bằng xếp hạng của Chính phủ hôm nay. Đồng thời, thành phố cũng mong nhận được sự cộng tác, giúp đỡ tích cực hơn nữa của các ngành, các cấp, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa, đồng bào Thủ đô và cả nước, cùng kiều bào và bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp bảo tồn, các giá trị, truyền thống văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

hnoidonbang

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hà Nội hiện có 2.311 di tích được xếp hạng, trong đó có 1.193 di tích cấp quốc gia ( trong đó có 9 di tích quốc gia đặc biệt), 1118 di tích cấp thành phố.

Ngày 9/12/2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 14 di tích trong đó Hà Nội có 5 Di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia  đặc biệt.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Được khỏi dựng vào cuối thời Lê, thế kỷ 18 là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, được dân gian ca ngợi là Đức Thánh Trần.

Hồ Gươm – Hồ Hoàn Kiếm là dấu tích của một khúc sông Nhị Hà, là cái nôi của huyền thoại gắn liền với võ công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Biểu tượng của anh hùng Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần dã kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ nhà Minh, mở ra nền Độc lập Thái Bình ở thế kỷ thứ 15.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng, nằm cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) được biết đến là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam

Với những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo, đình Tây Đằng được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Tây Đằng còn là nơi thờ Tản Viên Sơn thánh (Sơn Tinh), một nhân vật anh hùng theo truyền thuyết đã chế ngự được thiên nhiên, được dân chúng suy tôn là bậc thánh.

Di tích lịch sử Hát Môn và Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng là hai di tích phụng thờ và tưởng niệm Hai Bà Trưng và những sự kiện lịch sử gắn liền với chiến công oanh liệt chống giặc Đông Hán xâm lược của dân tộc những năm 40 sau công nguyên. Biểu tượng người kiệt nữ anh hùng đấu tranh và hi sinh anh dũng vì nước đã mở màn cho cuộc chiến tranh chống Bắc thuộc kéo dài hơn ngàn năm với quyết tâm giải phóng đất nước giành lại độc lập cho dan tộc của nhân dân ta. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa đã biểu thị tinh thần bất khuất của dân tộc ta, tinh thần yêu nước, dũng cảm trí thông minh, sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam đã anh dũng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Việc xưng Vưng và xây dựng nhà nước độc lập đầu tiên của hai vị nữ anh hùng còn khẳng định sự riêng biệt về văn hóa, nếp sống và tư duy của dân tộc Việt.

Di tích Phù Đổng được xây dựng từ thế kỷ 17. Đây là một trong những nơi tưởng niệm người anh hùng văn hóa làng Phù Đổng đã có công đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước từ buổi bình minh của dân tộc. Hìnnh tượng Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn và khí phách Việt Nam cho sức mạng quật khởi của dân tộc.

Việt Hà

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button