Cổ Loa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

coloa

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc. Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bản rộng lớn, có diện tích bảo tồn gần 500ha. Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X) mà thành Cổ Loa là một di tích minh chứng còn lại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.

Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc Việt Nam từ sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.

Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (Tỷ lệ 1/2000).

Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội với quy mô khoảng 860 ha.

Nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ, quy hoạch phải đề xuất giải pháp bảo tồn cấu trúc di sản vật thể khu di tích, gồm các di tích lịch sử – văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có giá trị trên cơ sở các luận cứ lịch sử, khoa học và thực tế.

Bên cạnh đó, xác định danh mục, ranh giới bảo vệ quần thể di tích thành Cổ Loa, gồm 3 vòng thành lũy (Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại), cổng thành, đình, đền, điếm, miếu và các di chỉ khác.

Đồng thời, phải đưa ra các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực di tích phù hợp để tôn vinh, chống xuống cấp và không làm mất đi giá trị di tích.

Về tổ chức không gian và thiết kế đô thị, sẽ lựa chọn một số điểm trong khu vực có giá trị nội hàm cao về văn hóa – lịch sử Khu di tích thành Cổ Loa, để có thể nghiên cứu phục dựng ở mức độ cho phép tái hiện hình ảnh lịch sử nhằm phục vụ du lịch; khôi phục một số làng xóm tiêu biểu theo cấu trúc không gian truyền thống khu vực gắn với kiến trúc cổ, làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, quy hoạch phải đề xuất các giải pháp không gian khu vực sinh thái cảnh quan tự nhiên như khôi phục, cải tạo và làm mới hệ thống nước trong khu dân cư, hệ thống Hào Thành, đầm, sông Hoàng Giang với sông Đuống, sông Hồng và đầm Vân Trì.

12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội được giao nhiệm vụ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch.

Cùng với Cổ Loa, 10 di tích khác được đề nghị xếp hạng đợt xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt này là: Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); danh thắng Yên Tử, Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 (Quảng Ninh); đền Trần và chùa Phổ Minh (Nam Định); chùa Keo (Thái Bình); Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa); Di tích lịch sử Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh); Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê (An Giang); Gò Tháp (Đồng Tháp); Vườn quốc gia Cát Tiên (Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng). Đến nay, cả nước đã có 23 di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button