Tập làm nhà khảo cổ ở Hoàng Thành
Cứ mỗi dịp cuối tuần, các em học sinh Hà Nội lại háo hức tham gia chương trình “Em làm nhà khảo cổ” tại Hoàng Thành Thăng Long, do Văn phòng UNESCO Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp tổ chức.
Chuyên gia khảo cổ hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu về dấu tích khảo cổ. Ảnh: BTC
Trong chương trình, các em học sinh có dịp làm quen với những dụng cụ khai quật, cách thức nhận diện mặt bằng di tích, tiếp xúc với cổ vật, tương tác với các nhà khảo cổ học Việt Nam.
Đồng thới, các em còn có cơ hội học tập và thực hành một số kỹ năng khai quật khảo cổ, như cách thức mở hố, làm sạch mặt bằng di tích, di vật, chụp ảnh hố khai quật hay hoàn thiện những phiếu thông tin di tích, di vật…
Ngoài ra, các học sinh tham gia chương trình còn được trực tiếp trải nghiệm những hoạt động tương tác tại “Góc Khám phá”, như khai quật và lắp ghép hiện vật từ hố khai quật giả định, trò chơi xếp hình một số hiện vật, mô típ hoa văn tiêu biểu (Cột cờ, thềm rồng điện Kính Thiên, tượng đầu rồng, tượng đầu phượng, bát gốm hoa lam vẽ rồng,…).
Đặc biệt, các em học sinh sẽ được tham gia vào các công đoạn dập mô típ hoa văn đặc trưng tại khu di sản và chụp ảnh mô hình di tích khảo cổ.
Chương trình được tổ chức nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, qua đó khuyến khích việc tăng cường tìm hiểu các giá trị nổi bật của di sản.
Bên cạnh đó, chương trình còn là cơ hội tốt để các em học sinh có điều kiện rèn luyện những đức tính quý báu của nhà khảo cổ học như sự say mê, sáng tạo, kiên trì, tỉ mỉ,… vốn rất cần thiết trong quá trình học tập, công tác sau này.
Sau lần tổ chức đầu tiên (2013), chương trình chơi mà học “Em làm nhà khảo cổ” đã đạt được những thành công bước đầu và nhận được những phản hồi tích cực từ phía các thành viên tham gia. Đây thực sự là một sân chơi giáo dục hấp dẫn, bổ ích với các em học sinh Tiểu học và THCS, nhóm đối tượng chính của chương trình.
Hoàng Quân