Nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng tại Khu vực điện Kính Thiên
Kết quả khai quật tại khu vực này trong năm 2014 đã xác định được một phần kiến trúc phía Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên như Ngự Đạo, sân Đại Triều, hệ thống móng nền kiến trúc. Đặc biệt đã xác định rõ kiến trúc thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau, kéo dài qua 400 năm.
Ngày 16/12, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện khảo cổ học đã công bố sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2014.
Báo cáo tại Hội nghị, GS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ tháng 2-12/2014, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1000 m2.
Kết quả khai quật đã phát hiện tầng văn hóa dày với nhiều lớp kế tiếp nhau, phát triển liên tục và có niên đại kéo dài suốt 13 thế kỷ ( từ thế kỷ VIII – IX đến thế kỷ XIX – XX) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Thông qua kết quả khai quật đã xác định được một phần kiến trúc phía Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên như Ngự Đạo, sân Đại Triều, hệ thống móng nền kiến trúc. Đặc biệt năm nay ( 2014) đã xác định rõ kiến trúc thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau, kéo dài qua 400 năm.
Thời Lý, Trần tiếp tục được làm rõ với di tích đường nước lớn và kiên cố, cùng tường, móng kiến trúc và nền sân gạch…Các phát hiện khảo cổ năm 2014 cho thấy sự phong phú, tính chất phức tạp của các di tích thuộc khu vực sân Đại Triều của điện Kính Thiên và càng chứng minh rõ giá trị to lớn nhiều mặt của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Đóng góp ý kiến cho những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại các hố khai quật tại Khu vực chính điện Kính Thiện năm 2014, nhiều nhà khoa học đánh giá rất tích cực kết quả của cuộc khai quật.
Giáo sư Lê Văn Lan nói, việc khai quật đã được tiến hành công phu và đã tìm thấy những di tích quan trọng, góp phần làm rõ thêm lịch sử giai đoạn này.
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng kết quả khai quật đã có những phát hiện rất mới mẻ, bổ sung nâng cao thêm những kết quả khảo cổ từ năm 2011 đến nay. Trong đó có thể kể đến việc phát hiện một phần kiến trúc quy mô khá lớn thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỷ 17 như bức tường bao 1,7m rất kiên cố, nền sân điện, móng cột đồ sộ khác hẳn móng cột thời Lê sơ…Bên cạnh đó còn có nhiều di vật rất quý.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, điều mà các nhà khoa học mong muốn nhất là phải giải quyết được 2 vấn đề lớn đặt ra. Đó là trục Trung tâm của Cấm thành ở đâu. Thời Lê thì đã rõ, còn các thời kỳ khác thì vị trí của trục trung tâm vẫn là điều mà các nhà khoa học nghiên cứu về Hoàn thành quan tâm. Từ đó xác định mối tương quan với khu 18 Hoàng Diệu.
Vấn đề thứ 2 cần giải quyết là nhận thức toàn diện tổng thể cấu trúc của Cấm thành – Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh, một vấn đề khó đang đặt ra cho các nhà khảo cổ là với một hệ thống di tích phức hợp chồng lên nhau như vậy thì làm thế nào để bảo vệ khi tiếp tục khai quật xuống các tầng sâu hơn. Giáo sư Phan Huy Lê đề nghị cần phải nghiên cứu để có thể vừa bảo tồn những phát hiện khảo cổ mới này khi tiến hành các công việc khảo cổ trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm sẽ trình UBND TP Hà Nội kế hoạch tiếp tục khai quật khảo cổ với diện tích rộng hơn trong thời gian tới, dự kiến diện tích khai quật có thể lớn hơn gấp 5 lần diện tích khai quật thăm dò khảo cổ năm 2014.
Một số hình ảnh về những phát hiện khảo cổ quan trọng:
Dấu vết đường nước thời Lý được tái sử dụng lại vào thời Trần, qua những viên gạch có chữ “Vĩnh Ninh Trường”. Ảnh: Minh Anh
Dấu tích đường nước lớn, thời Lý, phát hiện năm 2014. Ảnh: Minh Anh
Dấu tích tường bao, thời Trần phát hiện năm 2014. Ảnh: Minh Anh
Dấu tích nền sân gạch Đan Trì. Ảnh: Minh Anh
Năm 2014, tiếp tục làm rõ dấu tích tường bao thời Lê, với chiều dài 57m, rộng 1,7m. Ảnh: Minh Anh.
Minh Anh