Hoàng thành ở đâu?

Các kiến trúc và di vật tìm được từ nhiều cuộc khai quật đã nhen nhóm trong tâm thức các nhà khảo cổ, nhà văn hóa về một kinh thành Thăng Long tồn tại bằng vật chất chứ không chỉ mơ hồ “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”.

Đến khi cuộc khai quật đại qui mô trên diện tích 16.000m2 của khu đất 18 Hoàng Diệu dự kiến xây nhà Quốc hội diễn ra thì nhiều người sửng sốt vì quy mô bề thế và tính chất nguy nga tráng lệ của lâu đài cung điện Thăng Long xưa.

Nhưng chừng ấy dường như vẫn chưa hoàn toàn đủ cứ liệu để trả lời chắc chắn câu hỏi: hoàng thành nằm chính xác ở vị trí nào, qui mô của nó ra sao? Cuộc hội thảo đầu tiên về vấn đề  quan trọng và nhạy cảm này đã được Viện Khoa học xã hội VN tổ chức hôm 3-6-2004.

Dù các ý kiến có xê xích chút ít về qui mô và vị trí các địa danh, nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều khẳng định vị trí của khu vực khảo cổ Ba Đình là nằm ở khu vực trung tâm hoàng thành.

Nó có thể là cung Trường Lạc (cung của vợ vua Lê Thánh Tông) – theo TS Tống Trung Tín và GS Lê Văn Lan, cũng có thể là Giảng Võ điện (theo GS Trần Quốc Vượng).

Nó cũng có thể là điện Vạn Thọ, điện Chí Kính hay điện Ngọc Hà theo giả thuyết của nhà bản đồ học Bùi Thiết?

Đất Ba Đình vốn là lâu đài cung điện nào? Và hoàng thành của 1.000 năm Thăng Long cần được quy hoạch theo trục gì, qui mô nào?

Câu hỏi ấy sẽ phải được trả lời trước tháng 9-2004, thời điểm mà Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gia hạn cho Viện Khoa học xã hội VN. Và, trước mắt còn là cả một mùa mưa.

GS Trần Quốc Vượng  là người đầu tiên đề xuất và tại hội thảo này vẫn kiên trì nhắc lại luận điểm cho rằng: “Trung tâm điểm của cấu trúc thành Đại La của Cao Biền (thế kỷ 9), của thành Thăng Long thời Lý – Trần (thế kỷ 11-14), của thành Đông Kinh thời Lê (thế kỷ 15-18) và cả Bắc thành (đời Gia Long), Hà Nội thành (đời Minh Mạng – Tự Đức) là núi Nùng. Vậy núi Nùng ở đâu?

GS Vượng phản bác ý kiến của cụ Hoàng Đạo Thuý và Trần Huy Bá cho rằng đó là ngọn núi ở trong vườn Bách Thảo. Theo ông, sau rất nhiều lần khảo sát, ông và các học trò khẳng định đó là ngọn núi thờ Hắc đế có tên là núi Sưa vì tại ngôi đền nhỏ trên đỉnh núi còn có biển ngạch “Sưa sơn lăng miếu” (sưa là một cây lấy gỗ, mọc thành rừng trên và quanh núi, nay vẫn còn rất nhiều).

Theo GS Vượng, núi Nùng chính là nơi toạ lạc điện Kính Thiên (hiện còn dấu tích vật thể là các bệ đá cửu trùng và bốn đôi rồng đá tiêu biểu cho mỹ thuật thời Lê sơ) , cũng có nghĩa là nền điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Trần. Ông bác bỏ quan điểm của một số người cho rằng đây không thể là núi vì nó không cao hơn là bao so với xung quanh.

Ông dẫn quan niệm của người xưa: “Cao nhất xích vi sơn” (cao một thước cũng là núi) và “Sơn bất tại cao, hữu thần tiên tắc linh” (núi không phải tại cao, có thần tiên ngự trên đó là linh thiêng rồi).

Quan điểm của GS Vượng được khá đông nhà nghiên cứu đồng tình, trong đó có GS Lê Văn Lan và PGS Tống Trung Tín. Theo các vị này, xác định được vị trí trung tâm của hoàng thành Thăng Long cũng có nghĩa xác định được tương đối chính xác quy mô của thành, và đặc biệt là xác định được khu vực 18 Hoàng Diệu đang khai quật với hàng trăm ngàn hiện vật và nhiều di tích được phát lộ kia là cái gì và nằm ở đâu trong khu vực hoàng thành?

TS Tống Trung Tín, người chỉ huy hầu hết các cuộc khai quật trong khu vực nội thành Hà Nội những năm gần đây,hệ thống lại kết quả các cuộc khai quật lớn: khai quật Hậu Lâu – 1998, Tràng Tiền và 47 Hàng Dầu – 1999, Đoan Môn, Bắc Môn, Văn Miếu – 2000 và 62, 64 Trần Phú – 2002 để đi đến kết luận chứng minh rằng hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần là ở điện Kính Thiên mà ta còn thấy ngày nay.

thihoi045A

Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức

Tổng hợp các dữ liệu, ông Tín đưa ra quan điểm cho rằng qui mô của hoàng thành Thăng Long được xác định ở khoảng: bắc: phố Phan Đình Phùng; nam: phố Trần Phú; đông: phố Thuốc Bắc; tây: đường Hùng Vương. Và như vậy, vị trí của cuộc khai quật khu đất dự định xây nhà Quốc hội là ở bộ phận trung tâm hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê, phía tây điện Kính Thiên.

Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Thiết, người chuyên nghiên cứu bản đồ cổ và hiện sở hữu 10 bản đồ Thăng Long từ thời Hồng Đức (thế kỷ 15) đến thời Nguyễn, vị trí của hoàng thành Thăng Long là: tường phía bắc trùng với đường Phan Đình Phùng, phía nam gần trùng Nguyễn Thái Học, phía đông và tây khó xác định vì hẹp hơn hoàng thành cũ, phía đông gấp đôi phía tây vì toà thành có hình thước thợ.

Như vậy có thể từ chợ Bưởi, xuôi theo sông Tô Lịch đi về cầu Giấy là phía tây, còn tường đông trùng với hoàng thành cũ. Cũng có nghĩa là khu vực Phủ Chủ tịch và phần lớn đất làng Ngọc Hà đều nằm trong thành.

Theo TTO

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button