Năm 2020 cơ bản hoàn thành tôn tạo các di tích quốc gia

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến 2020, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia theo hướng giữ gìn giá trị nguyên gốc.

101218083722-878-180

Hoàng thành Thăng Long có mái che tạm

PGS.TS Tống Trung Tín – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN cho biết, một mái che làm bằng nhựa, đòn tay bằng tre che chắn trên diện tích rộng 20.000 m2 của Hoàng thành Thăng Long sắp sửa được khánh thành.

Mái che sẽ tồn tại được khoảng 5 năm, dù rất tiết kiệm chi phí: 3 tỷ đồng cho một diện tích xấp xỉ 20.000 m2, tương đương giá thành là 150.000 đ/m2, thấp hơn chi phí xây nhà cấp 4.

Phó Viện trưởng Tín vui vẻ cho biết: Dưới mái che này, các nhà khoa học hoàn toàn an tâm về di vật của Hoàng thành trước khi có biện pháp bảo quản và trưng bày lâu dài.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2010 Nhà nước sẽ đầu tư tu bổ và tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, trong đó ưu tiên các di tích về lịch sử cách mạng và kháng chiến. Các di tích quốc gia còn lại sẽ được đầu tư tu bổ và tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được ưu tiên cho 38 di tích, trong đó có những di tích lịch sử văn hóa nổi bật như quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tháp Chàm Mỹ Sơn, thắng cảnh Hạ Long, Đền Hùng, Thành cổ Hà Nội, cùng những di tích lịch sử lớn như các ATK, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Côn Đảo, di tích chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Theo quy định, việc khôi phục các di tích đã bị mất sẽ chỉ thực hiện trong những trường hợp thật cần thiết và phải dựa trên cơ sở các tài liệu khoa học xác thực.

Trong sử dụng và khai thác di tích, nghiêm cấm các hình thức dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích và các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong sử dụng và khai thác di tích.

Theo Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến 2020, từ năm 2006 đến 2020, hàng năm các cơ quan chức năng sẽ đề nghị Nhà nước tăng mức đầu tư tu bổ di tích phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhà nước cũng sẽ tăng cường mở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy di tích. Ngoài nguồn vốn của các địa phương và của Bộ Văn hóa Thông tin, Nhà nước sẽ huy động một số nguồn vốn khác như vốn ngân sách sự nghiệp, vốn thu qua khai thác di tích, vốn do nhân dân và các tổ chức đóng góp và nguồn vốn viện trợ của nước ngoài.

Theo TTXVN – Tiền Phong

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button