Giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa
ND-Tin vui mới đến với những người làm công tác văn hóa và mọi người yêu quý văn hóa dân tộc là Quan họ cùng Ca trù vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Như vậy là, những nét đẹp của âm nhạc Việt Nam đã được cộng đồng văn hóa thế giới ghi nhận, và rồi đây sẽ được biết đến nhiều hơn. Nói cách khác, những âm điệu thanh tao, sang trọng của Ca trù, những giai điệu, lời hát đằm thắm, tinh tế của Quan họ đã không chỉ làm say đắm các thế hệ người Việt Nam, mà còn ghi dấu ấn trong bạn bè thế giới. Mừng vui và hy vọng, nhưng cũng chính từ đây, lại nảy sinh một vấn đề là chúng ta cần làm thế nào để bảo tồn và gìn giữ các di sản này cho con cháu mai sau, và cho kho tàng âm nhạc nhân loại?
Cũng giống như Nhã nhạc và Cồng chiêng, Quan họ và Ca trù vốn có lịch sử tồn tại, phát triển từ nhiều thế kỷ trong không gian văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Quan họ và Ca trù có lúc bị lãng quên, nhiều liền anh và liền chị, nhiều ca nương và kép hát từng phải giấu đi niềm đam mê hát xướng, thậm chí giấu cả nghiệp hát và thân phận của mình. Cho nên, đội ngũ của họ ngày càng thưa thớt và hiếm hoi, họ trở thành “báu vật sống” của nghề. Bên cạnh đó, phải nói rằng, phần lớn số nghệ nhân nay đã là người cao tuổi, gặp khó khăn về sức khỏe khi muốn truyền lại nghề cho con cháu, nhất là khi cả Quan họ và Ca trù lại thường truyền dạy qua con đường truyền khẩu, có những quy định nghiêm ngặt đối với người theo học. Rồi nữa là thời gian, công sức bỏ ra để có thể thành nghề cũng là một vấn đề không nhỏ đối với người theo học.
Trong khi đó, cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, hối hả, không gian văn hóa dành cho các loại hình văn hóa này ngày càng thu hẹp hoặc bị thay đổi. Giới trẻ hiện nay số đông không hiểu hết giá trị của Quan họ và Ca trù, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức âm nhạc mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Vì vậy, nguy cơ khó bảo tồn và phát huy được các giá trị của di sản âm nhạc không phải là không có.
Với sự phát triển của nghệ thuật dân tộc, có một điều hiển nhiên là không ai có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình nghệ thuật ấy. Như âm nhạc dân tộc chẳng hạn, không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó.
Ðể có thể duy trì sức sống cho các loại hình âm nhạc dân tộc vốn đã được nhân loại tôn vinh, thì trước hết, các di sản văn hóa ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được “sống” và tôn vinh trong chính cộng đồng của nó. Cho nên, cần bảo tồn và ứng xử với di sản văn hóa bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp, cái tinh túy của di sản văn hóa.
Muốn có được điều ấy, đã đến lúc cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ.