Đối thoại trực tuyến: 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
“1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Những giá trị truyền thống” là chủ đề cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra ngày 18-10 với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và đông đảo bạn đọc.
Đây là một trong hai cuộc đối thoại trực tuyến do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, nằm trong kế hoạch phối hợp tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hà Nội.
Trong thời gian từ 8h30 đến 11h30, đã có 20 câu trong số trên 200 câu hỏi bạn đọc gửi đến, được Ban tổ chức lựa chọn trả lời, góp phần cung cấp cho độc giả cái nhìn đầy đủ hơn về truyền thống lịch sử văn hóa, những giá trị di sản quý báu của Thăng Long – Hà Nội qua 1000 năm lịch sử.
Câu hỏi chủ yếu xoay quanh các vấn đề về chùa Một Cột, về không gian kiến trúc của kinh thành Thăng Long xưa, các tên gọi của Hà Nội, các danh nhân có nhiều đóng góp cho Thăng Long – Hà Nội, những nhân kiệt của riêng Hà Nội, lý do Lý Công Uẩn rời đô về đất Long Đỗ, các dấu tích còn lại để nhận biết các vòng thành, các ngôi đền thiêng trong “Thăng Long tứ trấn”, thiết kế kiến trúc Hoàng thành Thăng Long đã được phát lộ…
Trả lời câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc Vua Lý Công Uẩn dời Kinh đô Hoa Lư về đất Long Đỗ để xây dựng kinh đô Thăng Long, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hoa Lư là kinh đô phù hợp với thời kỳ Nhà nước tổ chức theo mô hình tập quyền quân sự.
Kinh đô ấy có thể phát huy tác dụng trong điều kiện chiến tranh nhưng không thể phát triển kinh tế, mở mang văn hóa trong thời bình, khó có thể là nơi tụ hội bốn phương. Ngoài những lý do về phong thủy với thế rồng cuộn, hổ ngồi thì nhu cầu mở mang phát triển và nâng tầm của kinh đô là nguyên nhân chính để Vua Lý Công Uẩn không tiếp tục phát triển Kinh đô Hoa Lư mà quyết định dời đô đến Thăng Long.
PGS Lê Văn Lan và GS-TSKH Vũ Minh Giang cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng thể về Quy hoạch thành Thăng Long với “tam trùng thành quách” và hệ thống cống thoát nước khá hoàn bị với nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau, cống mở nhưng kín. Đề cập đến các tên gọi của Hà Nội trước đây, PGS Lê Văn Lan cho rằng, cần xác định tên chính thức của một quốc đô và tên thuộc phạm trù địa danh hành chính hay tên tự gọi, tên dân gian. Có thể phân tên gọi của Hà Nội thành hai nhóm gồm tên chính thức của một quốc đô (đô hiệu) với: Cổ Loa, Vạn Xuân, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh; và tên không chính thức như Tống Bình, phủ Phụng Thiên, Kẻ Chợ, Bắc Thành…
Những câu hỏi còn lại của bạn đọc sẽ tiếp tục được các nhà khoa học trả lời và phát trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.