Quá trình tìm chọn kinh đô muôn đời của đất nước

Kinh đô là trung tâm chính trị – hành chính và đi liền với nó là trung tâm quân sự, kinh tế và văn hoá của một đất nước. Bất cứ một triều đại, một thể chế chính trị nào khi nắm chính quyền, công việc đầu tiên phải là xác định vị trí đóng đô.

Việc dời đô và định đô là công việc có ý nghĩa trọng đại không chỉ phản ánh nhu cầu của triều đại, của đất nước, xã hội, mà còn là thước đo trình độ kinh tế – xã hội, trình độ văn hoá, văn minh của một đất nước, một vương triều.

Người xưa từng tổng kết việc dời đô, định đô: “Cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh” (1).

Như thế, dưới mắt của các chiến lược gia, kinh đô phải là nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa của quá khứ, phản ánh đầy đủ và chân thực đời sống hiện tại, có khả năng đại diện và dẫn dắt tương lai phát triển của đất nước.

Thời đại dựng nước đầu tiên của Việt Nam được mở đầu trong khoảng từ 6 – 7 thế kỷ trước Công nguyên đến một vài thế kỷ sau Công nguyên với sự ra đời của 3 nhà nước: Văn Lang ở khu vực Bắc Bộ, Chămpa ở khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Phù Nam chủ yếu ở khu vực Nam Bộ, nhưng dòng chủ lưu của toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam thì phải được tính từ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc qua nghìn năm Bắc thuộc đến các quốc gia Đại Việt, Đại Nam và Việt Nam.

Trong giai đoạn lịch sử từ khi nhà nước đầu tiên xuất hiện cho đến đầu thế kỷ XI, nếu chỉ quan sát riêng dòng chủ lưu, không tính những chính quyền đô hộ của ngoại bang, cũng đã trải qua nhiều lần chuyển đổi trung tâm chính trị – hành chính của đất nước. Mỗi lần định đô và dời đô như thế đều có những lý do, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và phải được xem như những bước chuẩn bị cho công cuộc định đô Thăng Long của Lý Thái Tổ vào năm 1010.

kinhthanhthanglongxua

Kinh thành Thăng Long xưa. Ảnh IE

Thời kỳ dựng nước Văn Lang, Âu Lạc

Vua Hùng dựng nước Văn Lang vào khoảng thế kỷ thứ VII hay thế kỷ thứ VI trước công nguyên, cũng lấy tên kinh đô là Văn Lang

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang…, chia nước làm 15 bộ…; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô” (2)

Sách cũng đồng thời chỉ rõ vua Hùng “đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)” (3), tức là nơi sông Hồng sau khi nhận thêm nguồn nước sông Đà lại tiếp tục hoà dòng với sông Lô tạo thành một dòng sông lớn giống như động mạch chủ của toàn bộ châu thổ sông Hồng.

Tương truyền Hùng Vương ngay từ ngày đầu dựng nước đã chọn ngã ba sông Bạch Hạc (tương đương với khu vực thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay) làm địa điểm xây dựng kinh đô Văn Lang.

Có thể một phần vì kinh đô lúc đó còn hết sức đơn sơ, cũng có thể nhát cuốc của các nhà khảo cổ học chưa chạm tới, nên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được tài liệu nào cho phép hình dung cụ thể về quy mô và cấu trúc của kinh đô Văn Lang.

Gần đây trong giới nghiên cứu, đặc biệt là cán bộ văn hoá tỉnh Phú Thọ đang tích cực tìm cách chứng minh khu di tích Làng Cả (thành phố Việt Trì) với hàng trăm mộ táng với các đồ tuỳ táng quý giá minh chứng cho một trung tâm lớn và đặc biệt quan trọng của văn hoá Đông Sơn, và vì thế nó có nhiều khả năng là kinh đô Văn Lang của các vua Hùng. Lô gíc của vấn đề rất có thể là như thế, nhưng đấy chỉ được xem là một phương hướng để các nhà Sử học tìm thêm các nguồn sử liệu.

Mặc dù công cuộc tìm kiếm hình ảnh đích thực của kinh đô Văn Lang vẫn chưa có được những kết quả khả quan, nhưng vị trí chóp đỉnh thứ nhất của tam giác châu Bắc Bộ, nơi đầu mối của các luồng giao lưu, giao thương giữa miền núi rừng với miền đồng bằng, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hoá quan trọng nhất của nước Văn Lang là điều đã được khẳng định(4).

Tiến mạnh xuống đồng bằng châu thổ và vươn ra biển khơi là con đường phát triển của đất nước ta lúc đó. Tuy nhiên, do sức người còn hạn chế và nhất là do công cụ sản xuất bằng sắt vẫn chưa có vị trí thực sự, công cụ đồng và nhiều khi là gỗ đá vẫn còn chiếm vai trò chủ yếu trong khai hoang và sản xuất, nên ngay tại trung tâm châu thổ sông Hồng, môi trường sinh thái nông nghiệp trồng lúa nước cũng chưa trở nên thuần thục, ruộng đồng vẫn còn xen lẫn vào rừng rậm, đầm lầy.

Nước Văn Lang tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ VI đến năm 208 trước công nguyên. Trong gần một nửa thiên niên kỷ ấy, dân số đã có bước phát triển vượt trội. Trên đất Văn Lang, kỹ thuật rèn sắt đã có những bước tiến lớn, công cụ sản xuất bằng sắt đã giữ vai trò chủ đạo trong nền sản xuất nông nghiệp.

Người nông dân đã chuyển hẳn từ nông nghiệp dùng cuốc sang nông nghiệp dùng cày với chiếc chìa vôi, lưỡi hợp kim và sử dụng sức kéo của gia súc. Năng suất lao động được nâng cao, đời sống cộng đồng được cải thiện và cảnh quan đồng bằng đã thay đổi nhiều so với trước.

Nước Âu Lạc ra đời trên căn bản là sự hợp nhất giữa Tây Âu và Lạc Việt, giữa Hùng và Thục, trong bối cảnh cộng đồng cư dân đã khai thác được toàn bộ vùng châu thổ, biến thành đồng ruộng xóm làng, phát triển thâm canh nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là một bước tiến lớn của đất nước về các mặt kinh tế, xã hội và văn hoá.

Theo đà phát triển này, trung tâm đất nước có xu hướng chuyển dần về khu vực trung tâm châu thổ sông Hồng. Điều này giải thích vì sao An Dương Vương không tiếp tục trụ lại ở chóp đỉnh thứ nhất của châu thổ như các vua Hùng trước đây, mà lại quyết định chuyển về Cổ Loa là chóp đỉnh thứ hai của tam giác châu Bắc Bộ, ngay phía trên ngã ba sông Hồng và sông Đuống (5).

Khảo cổ học đã tìm thấy di tích văn hoá Sơn Vi ở Cổ Loa chứng tỏ từ Hậu kỳ Đá cũ cách ngày nay khoảng 1 vạn năm nơi đây đã có con người sinh sống. Tuy nhiên, sau đó là thời kỳ biển tiến và suốt trong thời đại Đá mới, vùng đất Cổ Loa lại hoàn toàn vắng bóng người.

Mãi cho đến đầu thời đại Kim khí, cùng với quá trình biển thoái, người Phùng Nguyên lại tràn xuống Cổ Loa và khu vực trung tâm châu thổ sông Hồng lập ra những xóm làng định cư, sống bằng nghề trồng lúa nước, làm vườn, đánh bắt thuỷ sản và săn bắn.

Các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy trên những doi đất cao hai bên bờ Hoàng Giang các di chỉ Đồng Vông (Dục Tú), Bãi Mèn (Cổ Loa), Đình Tràng lớp dưới (Dục Tú), Xuân Kiều, Lỗ Khê (Liên Hà) thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên; các di chỉ Tiên Hội, Bãi Mèn lớp trên, Đình Tràng lớp giữa, Xuân Kiều lớp trên thuộc giai đoạn Đồng Đậu và Đường Mây (Cổ Loa), Đình Tràng lớp trên thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn.

Ngoài ra, ở Cổ Loa còn tìm được rất nhiều các hiện vật đồng như mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, trống đồng, rìu đồng, trong đó trống đồng, mũi tên đồng và lưỡi cày đồng là các hiện vật đặc trưng và rất tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn.

Như vậy, trải qua quá trình phát triển lâu dài và liên tục từ Sơ kỳ thời đại đồ Đồng cho đến Sơ kỳ thời đại đồ Sắt, vùng đất Cổ Loa cũng đã hình thành một trung tâm dân cư, trung tâm kinh tế và văn hoá quan trọng của nước Văn Lang.

Sau khi thương lượng và di chuyển những xóm làng định cư trên đất Kẻ Chủ (Cổ Loa) ra khỏi khu vực dự định xây dựng kinh đô, quân dân Âu Lạc bắt tay vào xây dựng tòa thành cũng như các đền đài, cung điện.

Dấu tích còn lại ở Cổ Loa cho phép xác định toà thành Cổ Loa bao gồm 3 vòng thành và hào khép kín, trong đó thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.730m, mở một cửa về phía nam; thành Trung không có hình dáng cân xứng, chu vi 6.300m, mở 5 cửa Nam, Đông, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và thành Ngoại cũng hoàn toàn nương theo địa hình, chu vi 7.780m, mở 3 cửa Đông, Tây, Bắc và cửa Nam chung với cửa Nam của thành Trung (6).

Thành Cổ Loa là một kiến trúc quân sự đồ sộ, kiên cố, được phòng vệ rất chắc chắn, kết hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thuỷ. Mặc dù sau này toà thành còn được nhiều lần tái sử dụng, tu sửa hay xây đắp thêm, nhưng những dấu tích còn lại cho đến ngày nay trên căn bản vẫn là hình ảnh toà thành kinh đô của nước Âu Lạc xưa.

Trong thành chắc chắn An Dương Vương cũng đã kịp cho xây dựng một số đền đài cung điện. Khu vực Đền Thượng được coi là nơi ở của nhà vua và khu vực đình Ngự Triều Di Quy là nơi thiết triều.

Mặc dù, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết các công trình kiến trúc quan trọng này, nhưng thời gian gần đây với việc Khảo cổ học đã tìm thấy lò đúc và nhất là các mảnh vỡ của khuôn đúc mũi tên đồng 3 cạnh ngay tại khu Cấm địa trong đền Thượng, đã không chỉ giải mã được câu chuyện Nỏ thần, mà còn có thể cho phép hình dung cấu trúc, chức năng và một số vị trí bí mật, then chốt nhất của toà thành Cổ Loa.

Việc An Dương Vương cho xây dựng một kinh đô tầm thế ở đúng vị trí trung tâm đất nước, đầu mối của các tuyến đường giao thông thuỷ bộ, kinh tế trù phú, dân cư đông đúc, vừa phản ánh sự trưởng thành của nước Âu Lạc, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước.

Tiếc rằng nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 30 năm. Năm 179 trước Công nguyên, do sai lầm chủ quan của An Dương Vương, nước Âu Lạc bị rơi vào tay Triệu Đà. Thành Cổ Loa mất đi vị trí kinh thành, nhưng vẫn được các chính quyền đô hộ tiếp tục khai thác, sử dụng như những trung tâm chính trị – hành chính địa phương.

coloaxua

Một góc thành Cổ Loa xưa. Ảnh ĐV

Thời kỳ nghìn năm đấu tranh chống Bắc thuộc

Nhà Đông Hán không đặt trung tâm của chính quyền đô hộ ở Cổ Loa mà chuyển về Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của Đông Hán, chiếm thành Cổ Loa làm bàn đạp tấn công giải phóng Luy Lâu, giành lại nền độc lập, chọn Mê Linh (Hà Nội), ngay bên bờ sông Hồng làm đất đóng đô. Triều đình Trưng Vương chỉ tồn tại 3 năm (40-43 sau Công nguyên), nhưng đã thực sự trở thành cột mốc bản lề của lịch sử đất nước, khẳng định các giá trị vĩnh hằng của thời đại dựng nước Văn Lang, Âu Lạc và mở đường, định hướng cho tương lai phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt cả thiên niên kỷ thứ nhất.

Lý Bí tiến hành cuộc khởi nghĩa dân tộc thành công, đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, mở nước Vạn Xuân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng giêng (năm 544), vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn tướng võ” (7).

Sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống (Trung Quốc) cho biết đài Vạn Xuân (hay điện Vạn Xuân) nằm ở huyện Long Biên và các nhà sử học đời Nguyễn trong sách Việt sử thông giám cương mục cho rằng: “Nay ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì có hồ Vạn Xuân, còn gọi là đầm Vạn Phúc. Vậy điện Vạn Xuân có lẽ ở đấy” (8). Địa danh đầm Vạn Xuân (Vạn Xoan), đê Vạn Xuân… vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chùa Trấn Quốc vốn xưa là chùa Khai Quốc được dựng ở phía ngoài đê Yên Phụ được chuyển về vị trí cạnh đường Thanh Niên trong Hồ Tây từ đầu thế kỷ XVII. Ngôi chùa này cũng là một trong những di tích đặc biệt quan trọng hợp thành kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế (9).

Khi Trần Bá Tiên đem quân sang đánh triều đình Vạn Xuân, Lý Nam Đế đã tổ chức đắp thành ở cửa sông Tô Lịch (khu vực phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm) để trực tiếp bảo vệ kinh đô và sau khi thành ở cửa sông Tô Lịch thất thủ, Lý Nam Đế cùng toàn bộ triều đình Vạn Xuân phải bỏ chạy về Gia Ninh (10).

Các nguồn tư liệu trên cho phép xác định kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế được đặt ngay tại vùng đất nội thành Hà Nội hiện nay. Mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng một năm rưỡi (từ tháng 1 năm 544 đến tháng 6 năm 545), nhưng kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế lại có vị trí đặc biệt quan trọng, khẳng định vùng đất nội thành Hà Nội đã thực sự phát triển và bắt đầu trở thành một trung tâm quan trọng của đất nước.

Lý Nam Đế là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị thế ưu việt của vùng đất nội thành Hà Nội và đưa lên thành Quốc đô. Tuy nhiên do thế và lực chưa đủ mạnh và do thời gian tồn tại quá ngắn nên hình ảnh kinh đô Vạn Xuân trên vùng đất nội thành Hà Nội mới chỉ là mấy nét chấm phá ban đầu và còn mờ mờ, nhạt nhạt.

Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp của Lý Nam Đế giành lại nền độc lập, nhưng sau đó lại bị Lý Phật Tử dùng mưu cướp lấy quyền hành và đất đai. Lý Phật Tử lúc đầu đóng đô ở thành Ô Diên (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), nhưng sau một thời gian lại chuyển về thành Cổ Loa và duy trì nhà nước Vạn Xuân cho đến năm 602.

Các chính quyền đô hộ Tuỳ, Đường đều chọn vùng đất nội thành Hà Nội làm trung tâm của chính quyền đô hộ. Năm 622 nhà Đường đặt ra Giao Châu đô hộ phủ, đến năm 679 đổi thành An Nam đô hộ phủ (11). An Nam đô hộ phủ thống trị 12 châu là Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Trường Châu, Phúc Lộc, Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga, Diễn Châu, Vũ An, nghĩa là bao gồm toàn bộ khu vực miền Bắc nước ta, một phần tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Vào năm 769 nhân việc đánh bại các cuộc tấn công của Côn Luân và Chà Bà, Trương Bá Nghi tổ chức đắp La Thành (12). Có thể hình dung La Thành của Trương Bá Nghi là toà thành quân sự kiên cố có quy mô lớn đầu tiên được xây dựng tại khu vực trung tâm nội thành Hà Nội. Các năm 791, 808 Triệu Xương và Trương Chu tổ chức đắp thêm hay tu sửa lại toà thành này (13).

Năm 824, Lý Nguyên Gia cho đắp thêm một thành nhỏ khác ở bên bờ sông Tô Lịch, cũng gọi là La Thành (14). Năm 866, Cao Biền tổ chức “đắp La Thành vòng quanh 1982 trượng lẻ 5 thước,…Lại đắp con đê vòng quanh dài 2125 trượng 8 thước;… cùng làm nhà cửa 40 vạn gian” (15).

Như thế tuy cùng được gọi là La Thành nhưng trong thực tế có nhiều toà thành khác nhau của An Nam đô hộ phủ thời Đường. Những toà thành này vào các đời sau đã nhiều lần được cải tạo, thay đổi, nên hầu như không còn để lại dấu tích trên mặt đất.

Điều hết sức may mắn là từ năm 2002 đến nay, với việc triển khai các chương trình khai quật khảo cổ học quy mô lớn ở khu 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên Hội trường Ba Đình, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở lớp dưới cùng của di tích những móng trụ kiến trúc, bó nền nhà, gạch Giang Tây Quân, dấu tích kiến trúc nhà cửa, giếng nước, cống thoát nước, một số đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Tây Á… có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ IX. Đây chính là những hình ảnh chân thực của An Nam đô hộ phủ thời Đường được phản ánh qua các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam.

Ở vào vị trí trung tâm của châu thổ sông Hồng, nơi hội tụ và toả rộng của các tuyến đường giao thông thuỷ bộ, lại có quá trình phát triển lâu dài, đặc biệt là vào nửa cuối của thiên niên kỷ thứ nhất, khu vực thành Đại La không chỉ có hệ thống thành hào bề thế và kiên cố làm trị sở của chính quyền đô hộ, mà đã dần dần hình thành một đô thị quy mô lớn và mức độ tập trung dân số cao hơn hẳn so với tất cả các vùng khác trong nước.

Thời kỳ đầu độc lập thế kỷ X

Đầu thế kỷ thứ X, họ Khúc hào trưởng vùng Hồng Châu (Hải Dương), họ Dương hào trưởng vùng Ái Châu (Thanh Hoá) tiếp nối nhau vươn dậy giành quyền tự chủ. Các chính quyền tự chủ đầu tiên của người Việt sau nghìn năm Bắc thuộc đều đóng đô ở thành Đại La.

Ngô Quyền sau trận chung kết lịch sử toàn thắng ở Bạch Đằng lại không chọn thành Đại La mà một lần nữa trở về đóng đô ở Cổ Loa, khẳng định tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước đời An Dương Vương.

Ông cho tu sửa lại toà thành nghìn năm trước, xây dựng đền đài cung điện lên trên các di tích xưa của An Dương Vương. Đôi câu đối cổ ở Đền Thượng mách bảo điều này:

“Thục quốc sơn hà nguyên cổ Việt,
Loa thành cung cấm tự Tiền Ngô”
(Nước Thục non sông nguyên Việt cổ,
Loa Thành cung điện tự Tiền Ngô”.)

Ngô Quyền đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng vương triều, thể chế, nâng tầm kinh đô Cổ Loa thành kinh đô của một quốc gia độc lập. Cổ Loa một lần nữa khẳng định vai trò kinh thành, quân thành và thị thành giống như thời kỳ nhà nước Âu Lạc, nhưng trên một tầm cao mới. Nhưng chỉ 6 năm sau, Ngô Quyền qua đời, triều đình nhà Ngô phân rã và thành Cổ Loa lại mất vị trí quốc đô, chỉ còn tồn tại như là cơ sở cát cứ của một sứ quân.

Đinh Bộ Lĩnh mặc dù đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, lập ra vương triều Đinh, nhưng thế và lực chưa đủ mạnh, tình hình vùng châu thổ sông Hồng vẫn còn rất phức tạp và nhà Tống đang lăm le xâm lấn bờ cõi, nên không thể trụ lại ở Cổ Loa hay Đại La, mà trở về đóng đô trên đất bản bộ Hoa Lư, vừa tranh thủ tăng cường lực lượng, vừa giữ an toàn cho triều đình.

Kinh đô Hoa Lư chủ yếu nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi khá hiểm trở. Nơi đây từ sớm đã là một tụ điểm cư dân ở vào vị trí yết hầu trên đường trục đường Nam – Bắc, liền sông và không xa biển

Mạch máu giao thông quan trọng nhất nối Hoa Lư với châu thổ sông Hồng và mọi miền đất nước là con đường thuỷ qua sông Hoàng Long, sông Đáy, đổ ra cửa biển Thần Đầu (Thần Phù), thông sang Châu Ái và khu vực phía Nam đất nước.

Đinh Bộ Lĩnh cho xây đắp 10 đoạn thành luỹ nối liền các quả núi tự nhiên lại với nhau tạo nên hai vòng thành khép kín là Thành Ngoại và Thành Nội. Dấu tích các đền đài cung điện không còn trên mặt đất, nhưng qua kết quả khai quật khảo cổ học có thể cho phép hình dung một cấu trúc tổng thể của kinh đô và những nét độc đáo của công trình xây dựng quy mô lớn đầu tiên của quốc gia Đại Cồ Việt (16).

Cái chết bất ngờ của Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn đã đẩy triều đình nhà Đinh vốn có dấu hiệu rạn vỡ trước đó vào nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Lợi dụng cơ hội này, nhà Tống phát quân xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn được sự ủng hộ của Dương Thái Hậu và triều đình Hoa Lư lên ngôi Hoàng đế, lập ra vương triều Lê (Tiền Lê) và tổ chức kháng chiến.

Sau chiến thắng quân xâm lược Tống, Lê Hoàn tập trung công sức ổn định tình hình đất nước, tổ chức lại chính quyền, phát triển sản xuất. Ông cho tu sửa và xây dựng thêm nhiều đền đài, cung điện

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm 984: “Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó làm lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc” (17).

Đến đây quốc gia Đại Cồ Việt đã thực sự có một đế đô tráng lệ, khiến viên sứ thần nhà Tống là Tống Cảo khi đến Hoa Lư vào năm 990 cảm thấy “Hoa Lư không khác Trường An đời nhà Hán”.

Nhà Đinh và nhà Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) là đúng đắn và cần thiết, trong bối cảnh cuối thế kỷ X, chính quyền Trung ươn đang phải đối phó với sức tiềm ẩn của các thế lực cát cứ trong nước và mưu đồ xâm lược của nước ngoài.

Trong hơn 42 năm (968-1010), kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo điều kiện cho triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất của quân Tống (980-981) và giữ vững nền thống nhất quốc gia, đặt cơ sở cho bước phát triển toàn diện và trội vượt của đất nước.

Định đô Thăng Long

Hoa Lư với địa thế núi non hiểm trở đã dần dần bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trên quy mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hoá.

Mặt khác cũng do sự chuyển đổi của dòng sông, bến bãi, mà từ cái thế “đắc địa” đã làm nên kỳ tích của hai vương triều Đinh-Lê, dần dần Hoa Lư đã mất đi vị trí thuận lợi. Dưới con mắt của Lý Công Uẩn, người sáng lập vương triều Lý năm 1009, thì “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương” (18), khiến ông “rất đau đớn, không thể không dời” (19).

Vấn đề đặt ra lúc này là dời đô đi đâu? Lý Công Uẩn đã “xem khắp nước Việt” và nhận thấy chỉ có khu vực thành Đại La mới “là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (20).

Ông đã thể hiện một cách tuyệt vời tầm nhìn xuyên thấu không gian, xuyên suốt thời gian khi giải thích: “thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng đất này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” (21).

Như thế, hơn bất cứ một khu vực nào trong nước, khu vực thành Đại La theo quan niệm của Lý Công Uẩn, vốn là một kinh đô, đã hội đủ được tất cả các điều kiện, các lợi thế để xây dựng một đế đô, kinh sư lâu dài, vĩnh viễn, “trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có” (22).

Tất cả những điều kiện tự nhiên và kết quả phát triển của lịch sử đã tạo dựng những tiền đề cho Đại La đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng dân tộc. Lý Công Uẩn không chỉ nhận thức sâu sắc tất cả những tiền đề đó, mà điều quan trọng hơn là ông hoàn toàn ký thác niềm tin của mình ở sức mạnh của đất nước, ở tương lai phát triển của dân tộc.

Quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La của Lý Công Uẩn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, trù tính, tìm chọn của cả dân tộc hàng nghìn năm nên trở thành tuyệt đối đúng, đáp ứng được trọn vẹn không chỉ nhu cầu phát triển của đất nước, ý chí của Hoàng đế và vương triều mà còn là nguyện vọng tha thiết của toàn dân.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất, vào mùa Thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn đích thân tổ chức việc dời đô từ thành Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La. Khi thuyền vừa đến nơi, đang tạm đỗ dưới thành thì bỗng có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự.

Nhân đó Lý Công Uẩn quyết định đổi tên thành gọi là thành Thăng Long (23). Thành Thăng Long với biểu tượng Rồng Bay vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn Rồng Tiên và ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hoà của cư dân Văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.

Ngay trong mùa Thu năm 1010 lịch sử ấy, Lý Công Uẩn đã tập trung chỉ đạo xây dựng một số cung điện quan trọng nhất làm nơi ở và làm việc của Vua, Triều đình và Hoàng gia, mà trung tâm là điện Càn Nguyên (ở khu nền điện Kính Thiên hiện nay).

Bên tả điện Càn Nguyên ông cho dựng điện Tập Hiền và bên hữu là điện Giảng Võ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thêm: “Lại mở cửa Long Phi thông với cung Nghinh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cung Uy Viễn. Hướng chính Nam dựng điện Cao Minh đều có thềm rồng. Trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thuỵ làm nơi vua nghỉ, bên tả dựng điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa Long Thuỵ làm chỗ cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào” (24).

Một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng, Diệu Đức. Ở trong thành Lý Công Uẩn cho dựng chùa ngự Hưng Thiên và tinh Lâu Ngũ Phượng, bên ngoài về phía nam là chùa Thắng Nghiêm…

Năm sau, năm 1011 Lý Công Uẩn còn cho dựng thêm các cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, kho Trấn Phúc ở trong thành và các chùa Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ ở ngoài thành.

Kết quả khai quật Khảo cổ học những năm gần đây tại 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên Hội trường Ba Đình đã phát lộ một phần phía Tây của Cấm Thành thời Lý, trong đó những di tích kiến trúc cho phép hình dung quy mô bề thế, cấu trúc hợp lý, cân đối, hài hoà của các cung điện được xây chồng lên các di tích Đại La với các loại vật liệu xây dựng và đồ gốm sứ minh chứng cho một trình độ kỹ thuật cao và nghệ thuật tinh xảo.

Thành Thăng Long từ thời Lý đã gồm 3 vòng thành, trong đó Cấm Thành là trung tâm chính trị của Vương triều. Phía ngoài, cùng với một số cung điện, chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và cả các thôn trại. La Thành là vòng thành ngoài cùng có chức năng vừa là thành luỹ bảo vệ vừa là đê ngăn lũ lụt.

Ngay từ khi kiến lập kinh thành Thăng Long, Lý Công Uẩn đã triệt để tận dụng địa thế tự nhiên trong quy hoạch xây dựng nhằm biến những sông, hồ thành những con hào tự nhiên, những đường giao thông thuỷ thuận tiện và một hệ thống thoát nước liên hoàn, điều tiết môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.

Công việc tạo dựng kinh đô mới thật gian nan vất vả. Thế mà chỉ vài ba năm sau, một kinh đô “đủ làm chỗ ở của đế vương” đã thành hiện thực. Nhà sử học đời Trần Lê Văn Hưu (1230 – 1322) trách Lý Công Uẩn đã “tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể” (25). Lời trách ấy gián tiếp xác nhận những cố gắng phi thường của ông.

Sau Lê Văn Hưu gần nửa thiên niên kỷ, sử thần Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) đã có đủ cơ sở để nhìn nhận và đánh giá đúng tầm vóc của sự kiện định đô Thăng Long của Lý Công Uẩn: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có; phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng; phía Bắc thấu đến Ninh Sóc Kinh Bắc.

Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền tây bắc thì liên lạc bằng trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền.

Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này. Cho nên trước kia nhà Đinh, nhà Lê bỏ đất đó mà ở Hoa Lư, sau đó nhà Hồ cũng bỏ đất đó mà ở An Tôn thì đời làm vua ngắn ngủi, thân bị bắt, nước bị mất, là vì không được “địa lợi” đấy! Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp.

Cho nên truyền ngôi hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị. Các vua đời sau noi theo đều gìn giữ được ngôi vua, chống chọi với Trung Quốc. Lý Thái Tổ có thể nói là một bậc vua biết mưu tính việc lớn đấy!” (26).

Lý Công Uẩn là người sáng lập ra Vương triều Lý (1009 – 1226) – Vương triều rạng rỡ văn trị, võ công, khai mở và xác lập thời kỳ phát triển toàn diện và rực rỡ nhất của lịch sử Việt Nam.

Là con người kết tinh của lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lý Công Uẩn khéo biết đúc kết và kế thừa toàn bộ tri thức, kinh nghiệm của cha ông, vươn tới nhãn quan chính trị rộng lớn và tầm nhìn thiên niên kỷ. Ông là nhà thiết kế, nhà thi công, tác giả đầu tiên, vĩ đại nhất của kinh đô Thăng Long – Kinh đô, Thủ đô của quốc gia Đại Việt, của đất nước Việt Nam nghìn năm qua và mãi mãi về sau.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch Nxb KHXH, HN, 1993, tr 241.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 133.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 133.
(4) Có tác giả còn muốn đi xa hơn, cho rằng sự ra đời của nhà nước Văn Lang gắn liền với sự phát triển đột biến về kỹ thuật đúc và nguyên liệu đúc của ngành kinh tế mũi nhọn lúc đó là luyện kim và chỉ có tộc Làng Cả quần tụ ở vùng ngã ba sông Hồng – Đà – Lô, mà chủ yếu ven sông Hồng, mới hội đủ đươc các điều kiện thuận lợi để vươn lên vị trí đứng đầu. Tham khảo Trịnh Sinh: Hợp kim có chì – Vua Hùng và văn hoá Đông Sơn trong Khảo cổ học số 2 (1989), tr. 43 – 50.
(5) Các tác giả Trịnh Sinh, Nguyễn Thị Chịch cũng cho rằng: “Có lẽ nhà nước Âu Lạc ra đời là đáp ứng yêu cầu thống nhất các tộc, các “bộ” trong yêu càu mới, cùng chung sức khai phá châu thổ Bắc Bộ và các châu thổ khác, cần trung tâm cho cả các tộc miền núi, miền xuôi, ven biển. Vậy thì Cổ Loa là vị trí ứng cử viên xứng đáng hơn Phong Châu, đáp ứng được yêu cầu mới của lịch sử” (Âu Lạc và các tộc Việt trong Khảo cổ học số 3, 1996, tr. 37).
(6) Số liệu đo đạc gần đây có khác so với số liệu đã được công bố trong rất nhiều các công trình nghiên cứu về Cổ Loa trước đây là chu vi thành Nội 1.650m, Thành Trung 6.500m và Thành Ngoại 8.000m.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 179.
(8) Việt sử thông giám cương mục, T I, Bản dịch Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 169.
(9) Tham khảo: Thiền uyển tập anh, Bản dịch Nxb Văn học, HN, 1990, tr. 40. Chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) được chuyển từ phía ngoài đê phường Yên Hoa (Yên Phụ) vào chỗ hiện nay từ năm 1615.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 180.
(11) Việt sử thông giám cương mục, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 183. An Nam đô hộ phủ có thời kỳ được đổi thành Trấn Nam đô hộ phủ hay Tĩnh hải quân tiết trấn nhưng chỉ trong những khoảng thời gian ngắn.
(12) Việt sử thông giám cương mục, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 183.
(13) Việt sử thông giám cương mục, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 192, 193.
(14) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 193.
(15) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 199.
(16) Gần đây có một số tác giả chứng minh quốc hiệu đời Đinh không phải là Đại Cồ Việt mà là Cồ Việt, vì trong thực tế chữ “Đại” ghép liền với chữ “Cù” thành chữ “Cồ”, cũng với nghĩa là to lớn. Vấn đề cần phải được nghiên cứu thêm. Xem Nguyễn Anh Huy: Quốc hiệu Việt Nam đời Đinh Tiên Hoàng: “Cồ Việt” chứ không phải “Đại Cồ Việt”! (Huế Xưa & Nay, số 92 (3-4/2009, tr. 16 – 26).
(17)  Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 222 – 223.
(18) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(19) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(20) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(21) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(22) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(23) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(24)  Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr. 241.
(25) Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 242.
(26) Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb KHXH, HN, 1997, tr 242.

(Theo Bee.net)

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button