Khu di tích Hoàng thành Thăng Long: Khó khăn trong việc thống kê hiện vật, di vật

Các di tích, cổ vật, di vật của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thường nằm sâu dưới mặt đất từ 2 – 4 m, với điều kiện thời tiết miền Bắc nóng, ẩm, mưa nhiều nên mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng các nhà khảo cổ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong khai quật.

hoang-thanh-2

Khu A Di tích Hoàng thành Thăng Long

Bên cạnh lý do khách quan trong quá trình khảo cổ, theo ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, dự án khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu mặc dù đã thực hiện từ năm 2002, nhưng đến nay mới bàn giao cơ bản khu A – B. Toàn bộ hồ sơ, kết quả nghiên cứu, hiện vật chi tiết tại khu A- B và khu C – D, Trung tâm vẫn chưa được bàn giao khiến cho việc quản lý, nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn phát huy giá trị khu di tích gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Luật Di sản Văn hóa và Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ học thì Giấy phép khai quật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp yêu cầu sau khi kết thúc khai quật 1 năm và đối với khu vực khai quật lớn chậm nhất là 2 năm phải có báo cáo khoa học, thống kê hiện vật gửi cơ quan quản lý.

Nhưng đến nay tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, các cơ quan quản lý còn chưa biết được số lượng, số loại di vật và chưa bàn giao cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và phát huy giá trị di sản.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, muốn thực hiện được Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu trước hết Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) phải hoàn tất báo cáo khoa học và phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội kiểm kê toàn bộ hồ sơ, di tích, di vật Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu bàn giao cho Trung tâm quản lý.

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm sẽ di chuyển số di vật tại kho bảo quản tạm thời đi nơi khác, tiến hành giải phóng xong mặt bằng khu 18 Hoàng Diệu. Trung tâm đã có phương án phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lập thiết kế chi tiết để trình phê duyệt và tổ chức đầu tư xây dựng việc bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản.

Liên Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button