Phê duyệt đề án nghiên cứu khôi phục không gian Điện Kính Thiên

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là chủ đầu tư lập Đề án; Liên danh Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác – Hội Khảo cổ học Việt Nam là đơn vị tư vấn lập Đề án.

Đề án sẽ sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, thực hiện công tác khai quật khảo cổ; định hướng nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian Điện Kính Thiên một cách khoa học, xác thực thông qua các bản vẽ phong cách học, mô hình khôi phục 2D, 3D, mô hình thực tế theo công nghệ, vật liệu thích hợp và truyền thống, đề xuất các giải pháp làm tăng giá trị kết quả nghiên cứu của Đề án bằng du lịch văn hóa; tạo tiền đề, cơ sở khoa học để cơ quan nhà nước quyết định khôi phục Chính điện Kính Thiên và toàn bộ không gian Điện Kính Thiên.
Phạm vi lập Đề án giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triểu đại có liên quan làm cơ sở đối sánh; trong đó, tập trung nghiên cứu vào triều Lê (thời Lê Trung Hưng); Phạm vi không gian nghiên cứu tổng quan: Giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử; Phạm vi không gian điện Kính Thiên: Gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác; trong đó, quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính thiên.

Điện Kính Thiên di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Điện Kính Thiên – cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần.

Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng để trị nước. Sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành (hay Long Thành, Long Phượng Thành) trong thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Trung tâm là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần, điện Kính Thiên thời Lê.

Ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, đến nay, việc phục dựng điện Kính Thiên vẫn đang là một thách thức lớn với giới chuyên môn.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về ý tưởng này, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng việc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã có đề nghị về việc nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên là một ý tưởng mang tính cấp thiết, phù hợp với chức năng của đơn vị bảo tồn Di sản.

Tôi tin các nhà khoa học sẽ tham gia nghiên cứu hoàn chỉnh đề án này. Phải bắt tay làm những công việc như quy trình chứ nếu chỉ dừng ở ý tưởng mãi thì việc phục dựng chưa biết đến bao giờ mới có thể làm được.

Theo quyết định phê duyệt Đề án của thành phố Hà Nội, trong năm 2016, Trung tâm Bao tồn Di sản và các đơn vị tư vấn sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP về mô hình phục dựng Điện Kính Thiên.

rongda1

Ảnh: Rồng đá điện Kính Thiên được xây dựng năm 1467, thuộc dòng rồng Đế vương có năm móng. Đây là đôi rồng biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ.

Minh Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button