Hướng tới một ngành “Hà Nội học” toàn diện, liên ngành và đa ngành

NDĐT- Đó là ý kiến của GS, TS Nguyễn Quang Ngọc tại Hội thảo khoa học “Hà Nội học – phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu” được Viện Việt Nam học và khoa học phát triển và Hội Sử học Hà Nội đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 24- 12

thiendochieu

Thiên đô chiếu

 

Vẫn chưa có một ngành Hà Nội học ?…

GS Ngọc cũng nhấn mạnh rằng: Những kết quả nghiên cứu về Hà là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để xây dựng ngành Hà Nội học khoa học và chuyên nghiệp, phục vụ trực tiếp và hiệu quả cho việc phát triển bền vững Thủ đô.

Hà Nội là thành phố “đặc biệt” nhưng có những đặc thù gì so với những thành phố khác ? và dù có tồn tại một lịch sử đô thị riêng của Hà Nội thì có lý do gì để tách Hà Nội ra – như một khu vực – nghiên cứu riêng ? Hà Nội thống nhất hay Hà Nội gồm trung tâm và các tiểu vùng ? Nếu có trung tâm Hà Nội và các tiểu vùng thì những giá trị chung và những đặc trưng của các tiểu vùng Hà Nội là gì ? Có phải tất cả những nghiên cứu về Hà Nội đều là Hà Nội học ? Hà Nội học theo các chuyên ngành hay Hà Nội học liên ngành ? Hà Nội học liên ngành gắn kết với khu vực học và khoa học phát triển như thế nào ?… Những câu hỏi đó đã được các nhà khoa học nêu lên và đang được tranh luận.

Điều dễ thống nhất (về cơ bản) là khái niệm, thuật ngữ Hà Nội học: Là một khoa học khu vực học nghiên cứu toàn diện mọi hoạt động của con người trên vùng đất Thăng Long – Hà Nội (chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục…), nghiên cứu cả mối quan hệ (không gián đoạn) giữa con người và thiên nhiên nhằm đạt tới những nhận thức tổng hợp về không gian văn hóa, xã hội và con người Hà Nội, nhằm khái quát, giữ gìn, phát huy các giá trị nhiều mặt cho việc phát triển Thủ đô và đất nước.

Đối tượng nghiên cứu của Hà Nội học là tất cả các hoạt động đã, đang và (cả) sẽ diễn ra trên các lĩnh vực đa dạng và phong phú trong đời sống xã hội của con người Hà Nội, trong mối gắn kết của những con người Hà Nội với môi trường thiên nhiên (vùng Hà Nội) và môi trường xã hội riêng đặt trong tổng thể cả đất nước. Điều này dẫn đến nội dung nghiên cứu của Hà Nội học rất phong phú: Nghiên cứu kinh tế – xã hội; nghiên cứu thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; nghiên cứu địa lý tự nhiên và môi trường sinh thái; nghiên cứu di sản văn hóa, không gian văn hóa, gia đình người Hà Nội; nghiên cứu văn hóa và các tiểu vùng văn hóa; nghiên cứu Hà Nội cổ truyền và các vùng mở rộng; nghiên cứu quá trình đô thị hóa, đặc trưng đô thị và các vùng ngoại thành; nghiên cứu các nguồn lực, chính sách, khoa học, công nghệ và con người phục vụ phát triển bền vững Thủ đô… Để giải quyết được những nhiệm vụ nghiên cứu lớn với đối tượng và nội dung khá đa dạng và phức tạp đó, nhất thiết phải sử dụng và sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tổng hợp, liên ngành gắn với Khu vực học và khoa học phát triển: Phương pháp tiếp cận khu vực, phương pháp tiếp cận lịch sử, phương pháp tiếp cận không gian di sản văn hóa, phương pháp tiếp cận mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phương pháp tiếp cận thông tin khu vực học; phương pháp điều tra điền dã, phương pháp tổ chức các hội thảo khoa hoc liên ngành… Điều xuyên suốt khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống và các phương pháp liên ngành và Khu vực học là phải có tầm nhìn hệ thống và phương pháp biện chứng – như quan điểm của GS, TS Trần Ngọc Hiên.

Điều các nhà khoa học (trong và ngoài nước), những người yêu Hà Nội, trăn trở với Hà Nội – cả quá khứ, hiện tại và tương lai – đều băn khoăn (và cả tiếc nuối) là: Vẫn chưa có một cơ quan, một tổ chức (có tính chính thức) nghiên cứu toàn diện về Hà Nội, quy tụ đội ngũ các nhà khoa học có tài và say mê nghiên cứu về Hà Nội, chưa có một ngành Hà Nội học theo đúng nghĩa khoa học, chuyên nghiệp và toàn diện.

Hướng đến việc hình thành một cơ quan chính thức

Thủ đô Hà Nội với vị thế “Trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đầu mối giao dịch quốc tế” – như Nghị quyết 15 (ngày 15- 2- 2000) của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001 – 2010” đã khẳng định – cần được nghiên cứu những giá trị nhiều mặt, khai thác những lợi thế, phát huy mọi nguồn lực để phát triển toàn diện và bền vững. Công việc này chỉ có thể được giải quyết thông qua những hoạt động khoa học, qua những nghiên cứu sâu và lâu dài về Hà Nội.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến và anh hùng vì hòa bình (ngày 7 và 8- 10- 2010 tại Hà Nội) trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, GS Phan Huy Lê cho rằng: Đã đến lúc chín muồi để hình thành một tổ chức (dưới hình thức Viện hay Trung tâm) nghiên cứu toàn diện, liên ngành và đa ngành về Hà Nội. GS Phan Huy Lê cũng kỳ vọng tổ chức này sẽ nhanh chóng trở nên mạnh mẽ về năng lực nghiên cứu và sẽ góp phần quan trọng vừa cung cấp các tư liệu khoa học, vừa trực tiếp tư vấn cho các nhà quản lý, lãnh đạo Hà Nội. Ý kiến này đã được các lãnh đạo thành phố ghi nhận nhưng dường như cho đến nay việc thực thi vẫn chưa có những chuyển động. Cuộc Hội thảo “Hà Nội học – phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu” nhắc lại vấn đề này với hy vọng tìm phương án khả thi cho việc xây dựng một tổ chức chính thức về Hà Nội học của Hà Nội.

NGÔ VƯƠNG ANH

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button