Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch quản lý Hoàng thành Thăng Long
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội khẩn trương hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Dự thảo Kế hoạch quản lý tổng thể Di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện đã qua 3 lần lấy ý kiến và đang được hoàn thành với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Bảo tồn di tích và sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà quản lý.
Hoàng thành Thăng Long
Dự kiến Kế hoạch quản lý tổng thể Di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long sẽ được UBND TP Hà Nội phê duyệt và trình UNESCO vào giữa năm nay.
Kế hoạch này là một phần quan trọng trong Dự án “Bảo tồn Khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” do Quỹ tín thác UNESCO/Nhật Bản tài trợ có thời hạn 3 năm từ năm 2010 – 2013. Nhật Bản và Việt Nam mà đại diện là UBND TP Hà Nội là hai đối tác chính của UNESCO thực hiện dự án này.
Trong khi bản kế hoạch quản lý Hoàng thành Thăng Long xây dựng vào năm 2008 mới chỉ đề cập đến việc nghiên cứu và bảo tồn nguyên trạng các loại hình di tích, thì bản kế hoạch lần này đã đề cập sâu nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục cộng đồng về trách nhiệm đối với việc gìn giữ di sản của thế giới và của dân tộc; quảng bá đến công chúng, tạo điều kiện cho người dân, khách tham quan trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu giá trị ý nghĩa của khu di tích và nền văn hiến của dân tộc Việt Nam; đồng thời xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo Dự án Quỹ tín thác Nhật Bản/UNESCO, bản kế hoạch quản lý tổng thể Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được các chuyên gia và các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
TS Richard Engelhard, Cố vấn trưởng dự án nói Kế hoạch là một bản hướng dẫn những công việc cần làm trong thời gian dài với một tầm nhìn lớn, là bản kế hoạch toàn diện và có thể làm mẫu cho bảo tồn các khu di sản không chỉ ở Việt Nam mà cho nhiều nước trên thế giới.
Bà Katherin Muller Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho rằng bản kế hoạch này là nền tảng cho các kế hoạch cụ thể cho bảo tồn di sản Thăng Long từ nay về sau. Đây cũng sẽ là khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn trong quá trình bảo tồn Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Bà Katherin Muller Marin cũng đánh giá cao sự quan tâm của UBND TP Hà Nội đối với việc bảo tồn Di sản Thế giới này và cam kết trong thời gian tới, UNESCO sẽ cùng Trung tâm Bảo tồn văn hóa Thăng Long Hà Nội thảo luận để cùng hợp tác nhằm đạt được những thành công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị toàn cầu của khu Di sản này.
Lễ bàn giao, tiếp nhận khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long
Di sản Hoàng thành Thăng Long không chỉ có giá trị lịch sử văn hoá đối với Việt Nam mà còn có tính chất đặc biệt như một khu vực khảo cổ học ngay giữa trung tâm của một thành phố châu Á đang phát triển một cách nhanh chóng, đã đặt ra những thách thức to lớn cho các vấn đề bảo tồn.
Trong bối cảnh ấy, UBND TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công việc bảo tồn di sản, đồng thời chỉ đạo sát sao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và các đơn vị chức năng của TP phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam trong việc thực hiện 8 điểm cam kết của Thủ tướng Chính phủ với các khuyến nghị của ICOMOS về Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội.