Tuyên truyền giáo dục về di sản tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Hằng năm, có hàng vạn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tìm hiểu lịch sử tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những hình thức học tập ngoại khóa bổ ích, thiết thực của các nhà trường, tạo môi trường học tập yêu thích cho học sinh, đặc biệt là với môn học Lịch sử.

Một trong những hoạt động tuyên truyền giáo dục về di sản được tổ chức thường xuyên tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long là hoạt động tình nguyện  của sinh viên và các bạn trẻ. Trong các năm qua, có hàng trăm lượt sinh viên trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tham gia hoạt động tình nguyện tại khu di sản. Nổi bật là trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các tình nguyện viên – sinh viên đã hỗ trợ tích cực cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trong việc đón tiếp, hướng dẫn và thuyết minh phục vụ khách tham quan. Hơn 50 bạn tình nguyện viên đã được cắt cử, thường trực tại các điểm di tích, nhà trưng bày, vị trí tham quan để hướng dẫn và bảo vệ di tích, di vật. Bởi vậy, cùng với lực lượng cán bộ của Trung tâm đã góp phần hoàn thành tốt công tác đón tiếp phục vụ khách tham quan trong dịp đại lễ. Với lượng khách đông đột biến (hàng vạn lượt người một ngày) nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh trong khu di tích.

“Tuyên truyền văn hoá lịch sử Thăng Long” là một trong những nội dung tình nguyện mới trong chiến dịch tình nguyện hè 2012 của thanh niên, sinh viên thủ đô năm 2012. Đội tình nguyện Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội tuyên truyền văn hoá lịch sử Thăng Long có hơn 80 thành viên đến từ các khoa: Ngôn ngữ học, Du lịch học, Đông phương học và Quốc tế học, chia làm 6 đội tình nguyện ở các địa điểm du lịch nội và ngoại thành Hà Nội bao gồm Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa – Đông Anh, khu di tích Đền Sóc – Sóc Sơn và đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan  – Gia Lâm. Các thành viên của đội Hoàng thành Thăng Long có 15 thành viên, hầu hết là sinh viên của Khoa Đông phương học.

Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn liền với lịch sử ra đời của kinh thành Thăng Long – Hà Nội, bởi vậy việc tuyên truyền văn hoá Thăng Long ở địa điểm này cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhận thức được điều này, tất cả các tình nguyện viên trong đội đều đã trang bị cho mình những kiến thức lịch sử nhất định để có thể giới thiệu quảng bá văn hoá Thăng Long đến du khách trong và ngoài nước. Đội cũng được các thầy cô và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tập huấn, cung cấp tài liệu, hướng dẫn các lộ trình tham quan trong khu di sản để có những hiểu biết nhất định và không bỡ ngỡ khi tham gia tuyên truyến, hướng dẫn khách tham quan.

Trong những ngày tham gia công tác tại khu di sản, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan khu di tích, phát tờ rơi truyên truyền, hướng dẫn du khách trong nước và nước ngoài, phục vụ kỳ cuộc… không kể nắng mưa, vất vả.

thamquanhoangthanh1

Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long

Tổng kết đợt hoạt động, các tình nguyện viên trong đội đã hướng dẫn, giới thiệu cho hơn 250 lượt khách tham quan trong nước và nước ngoài, phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền.Với kiến thức và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách tham quan. Hơn nữa sau đợt hoạt động này các bạn đều có những trải nghiệm thú vị, thu được những kinh nghiệm thực tế bổ ích cho việc học tập của mình.

Thông qua hoạt động tình nguyện “ Tuyên truyền văn hóa lịch sử” đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ và nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của thủ đô và đất nước, nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động xã hội cho các sinh viên.

Nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của học sinh, sinh viên Việt Nam về giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp cùng tổ chức tình nguyện vì hòa bình Việt Nam và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức chương trình tình nguyện vì di sản Hoàng thành Thăng Long. Tham gia chương trình có hơn 100 tình nguyện viên Việt Nam và 15 tình nguyện viên quốc tế.

Đồng hành với những buổi hội thảo chia sẻ kiến thức và giới thiệu rộng rãi về di sản Hoàng thành Thăng Long đến học sinh, sinh viên Việt Nam tại các trường đại học là nhiều hoạt động cụ thể như: tổ chức tham quan khu di tích cho học sinh, sinh viên; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long cho học sinh, sinh viên Việt Nam, tổ chức chụp ảnh, quay clip và triển lãm tại di sản phục vụ khách tham quan.

Các sinh viên Việt Nam và quốc tế đã thực sự hòa đồng, sôi nổi tham gia các hoạt động tại khu di sản. Điều này không những mang lại cho học sinh, sinh viên Việt Nam một sân chơi học tập bổ ích mà từ đó họ có thể góp phần vào việc quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa thế giới nói chung cũng như Hoàng thành Thăng Long nói riêng bằng những hành động hữu ích của mình.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button