Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội
Nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2012), ngày 7/10/2012, tại khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, Hội di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn “Về vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội”.
Khách thập phương tham quan Lầu công chúa tại Hoàng thành Thăng Long
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện ngành văn hóa các quận huyện, các ban quản lý di tích ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Công Soái – Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.
Theo thống kê, hiện nay thủ đô Hà Nội có 5175 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1165 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 1010 di tích được xếp hạng cấp thành phố, có hơn 260 di tích và địa điểm di tích cách mạng kháng chiến, 292 di tích và địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; Bia Tiến sỹ triều Lê – Mạc (1442- 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhận di sản tư liệu thế giới; Hội Góng ở Phù Đổng và Đền Sóc là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu di tích Phủ chủ tịch là di tích quốc gia đặc biệt…
Về di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có một kho tàng sản phẩm tinh thần phong phú, nơi hội tụ văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và mọi miền đất nước. Đó là: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, dân ca, ca dao, tranh khắc gỗ, tranh dân gian, múa dân gian, ẩm thực truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống…Đặc biệt, Hà Nội có 1095 lễ hội truyền thống, nay vẫn được bảo tồn gìn giữ và phát huy trong đời sống đương đại.
Nhân dân, dòng họ, cộng đồng đã xây dựng nên các công trình tín ngưỡng tôn giáo để thờ cúng tổ tiên, tổ nghề và người có công với nước. Đồng thời, chính người dân và cộng đồng đã và đang gìn giữ, tôn tạo và phát huy di sản truyền thống mà cha ông để lại.
Qua khảo sát tại cơ sở và thực tế công tác quản lý, bảo tồn di sản ở thủ đô Hà Nội đã cho thấy vai trò to lớn của nhân dân, cộng đồng trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa.
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung trình bày và thảo luận các nội dung sau:
- Những vấn đề chung về vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Những kết quả bài học kinh nghiệm và kiến nghị về nêu cao vai trò cộng đồng thông qua công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn quận huyện, phường xã và các di tích tiêu biểu
Từ đó, Hội thảo đã nhìn nhận những tồn tại trong công tác quản lý di tích ở cơ sở, nêu ra những bài học kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với các công trình tu bổ tôn tạo di tích thực hiện theo phương thức xã hội hóa; tránh tùy tiện, coi nhẹ các quy định về quản lý khi tu bổ tôn tạo di tích bằng nguồn kinh phí cộng đồng đóng góp, có thể gây hậu quả nghiêm trọng là làm biến dạng các di tích gốc; vấn đề đảm bảo trật tự văn minh nơi lễ hội, quản lý nguồn thu công đức tại các di tích…
Hội thảo cũng đặt vấn đề về giải pháp phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý di sản, ngành giáo dục đào tạo và các đoàn thể nhân dân.
Có thể nói phần lớn nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích là do nhân dân và cộng đồng đóng góp. Nhưng cần tăng cường hơn nữa sự quản lý của các cơ quan chức năng để việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện bài bản, đúng quy trình và đúng quy định của Luật di sản văn hóa.