Chiến thắng Tốt Động, Chúc Động
Tốt Động (còn gọi là Tụy Động) và Chúc Động (còn gọi là Ninh Kiều) là 2 địa danh thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Vùng Tốt Động đến nay vẫn giữ nguyên tên, gọi là xã Tốt Động, còn vùng Chúc Động đã được đổi tên thành Chúc Sơn. Đây là 2 trận đánh quyết định, khiến giặc Minh bại trận ngay khi có ý định giành lại phòng tuyến quanh thành Đông Quan.
Bấy giờ, vào quãng cuối năm 1426, sau những chiến thắng lẫy lừng khắp mọi miền từ Thanh Hóa trở vào miền Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên Huế), nghĩa quân Lam Sơn đã đẩy giặc Minh vào thế co cụm phòng thủ ở thành Đông Quan, với hy vọng sẽ cố sống, cố chết bám trụ tại kinh đô của nước Việt.
Vua Lệ Lợi
Trước sự chênh lệch về sức mạnh và trí lực cầm quân, vua Minh phải cắt cử Vương Thông dẫn thêm 5 vạn quân sang tiếp viện cho quân Minh ở Đông Quan. Tập hợp thêm khoảng 5 vạn quân nữa, Vương Thông kéo 10 vạn quân, chia làm 3 cánh tiến đánh nghĩa quân Nam Sơn ở phía Nam và Tây Nam thành Đông Quan, chính là ở địa danh Tốt Động, Chúc Động, hòng giành lại phòng tuyến quan trọng được ví là yết hầu của Đông Quan.
Một cánh quân Minh do Mã Kỳ, Sơn Thọ thống lĩnh tiến theo đường Ba La đi Vân Đình, nhưng đến cánh đồng Cổ Lãm (nay là Phú Lãm, Hà Đông) thì rơi vào ổ mai phục của quân Lam Sơn do Lý Triện và Đỗ Bí thống suất. Kết quả, quân Minh bị thua tơi tả, vội thu tàn quân về chạy theo Vương Thông – vốn là cánh quân chủ lực, mũi giữa của 3 mũi giáp công, đang tiến theo hướng bến đò Cổ Sở (nay là Yên Sở, Hà Đông) để đóng quân tại đó.
Một cánh quân Minh do Phương Chính và Lý An cầm đầu tiến quân theo hướng Cống Mọc (nay thuộc Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), đóng quân tại cầu Thanh Oai. Cánh quân này thấy cánh quân bên tả rơi vào ổ phục kích của quân Lam Sơn, thua tan tác, phần vì sợ lại rơi vào ổ phục kích, phần vì thấy mưu dùng 3 mũi giáp công đã bị bẻ gãy nên vội vàng thu quân chạy về hợp cùng Vương Thông.
Trận Tốt Động, Chúc Động
Tại trận địa do Vương Thông chỉ huy, Thông bày kế đào hầm, đặt chông, giả bị thua bỏ chạy. Quân Lam Sơn do Lý Triện, Đỗ Bí lãnh đạo trúng mưu địch, bị thiệt hại khá nặng, bèn kéo về hợp với cánh quân phía Nam thành Đông Quan do Đinh Lễ thống suất đang đóng tại Thanh Đàm.
Sau chiến thắng này, Vương Thông tập trung quân tiến đánh Ninh Kiều. Tuy vậy, quân Lam Sơn đã rút khỏi đây, về đóng quân tại khu vực Cao Bộ. (Hiện, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về địa danh Cao Bộ, do cách giải thích khác nhau về tên Cao Bộ bằng tiếng Hán. Một luồng cho rằng, địa danh này nay thuộc xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. Luồng kia cho rằng, địa danh này nay là thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Vương Thông bèn bày mưu chia quân làm 2 gọng kìm, một gọng do Vương Thông cầm đầu sẽ theo đường chính đánh trực diện quân Lam Sơn, gọng còn lại vòng theo đường tắt, đánh úp sau lưng quân Lam Sơn.
Quân Lam Sơn bắt được tên lính trinh sát của Vương Thông, tra hỏi ra kế hoạch của Vương Thông, bèn tương kế tựu kế, bắn pháo làm như ám hiệu của quân Minh. Vương Thông thấy pháo hiệu đã nổ, tưởng gọng quân kia đã sẵn sàng phối hợp, bèn ào ạt tấn công quân Lam Sơn. Chẳng ngờ, Vương Thông rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân Lam Sơn ở khu vực Tốt Động, thiệt hại rất lớn. Vương Thông phải thu quân tháo chạy. “Gọng kìm” đánh hậu của quân Minh hay tin, sợ hãi chạy một mạch về Chúc Động.
Lại nói về cánh quân do Vương Thông chỉ huy, tưởng rằng rút về Tốt Động đã an toàn, không ngờ tiếp tục bị quân Lam Sơn ào ạt tấn công từ 3 mũi giáp công. Vương Thông phải thu quân chạy tiếp về Chúc Động. Túm tụm cả 2 cánh quân về đây, nhưng quân của Vương Thông vẫn bị quân Lam Sơn mai phục, tiến đánh ồ ạt. Vương Thông vội vã rút quân chạy về Đông Quan, nhưng cầu Ninh Kiều đã bị quân Lam Sơn phá hủy nên cùng đường. Quá hoảng hốt, quân Minh liều mình nhảy xuống sông, hòng bơi qua sông thoát thân. Nhưng trong lúc hoảng hốt, quân Minh tự quẫy đạp vào nhau, ôm nhau cùng chìm. Xác chết quân Minh làm tắc nghẽn cả khúc sông Ninh Giang (nay là sông Đáy). Quân Vương Thông lúc này chỉ còn lại một phần rất nhỏ, 5 vạn quân đã bị giết trong các ổ phục kích của quân Lam Sơn, 1 vạn quân bị quân Lam Sơn bắt sống cộng với số quân chết đuối dưới sông.
Nhiều tướng lĩnh của nhà Minh bị tiêu diệt tại trận, Vương Thông bị thương nặng, cố sống cố chết chạy được về thành Đông Quan với nhúm tàn quân tơi tả.
Sau này, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng nhắc tới 2 trận đánh oanh liệt này:
“Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý/ Tốt Động chi thi tích dã, di xú thiên niên”, Tố Hữu dịch là “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.
Sau 2 trận thắng oanh liệt này, nghĩa quân Lam Sơn đã nắm hoàn toàn thế chủ động, vây ráp Đông Quan tứ phía.
Nguyễn Tào