Lơi lỏng phòng bị, nghĩa quân Lam Sơn mất tướng
Sau khi hạ được các thành trì cửa ngõ của Đông Quan, chặt đứt các ngả có thể tiếp tế, tiếp viện cho thành Đông Quan, Lê Lợi cho quân siết chặt hơn nữa vòng vây đối với thành Đông Quan.
Ban đầu, doanh trại của quân đội Lam Sơn được đặt ở Đông Phù Liệt (phía Đông Thanh Trì). Về sau, Lê Lợi cho dời doanh trại về đóng ở Tây Phù Liệt (phía Tây Thanh Trì). Đến đầu năm 1427, Lê Lợi cho đóng đại bản doanh ở ngay tại Bồ Đề (Gia Lâm), đối diện với thành Đông Quan. Tại đây, Lê Lợi cho dựng một tòa lầu nhiều tầng, cao ngang với tháp Báo Thiên. Hằng ngày, Lê Lợi lên tầng lầu cao nhất, quan sát mọi di, biến động trong thành Đông Quan, nắm bắt được mọi động thái của quân giặc. Từ đó, ông ra nhiều chỉ thị đúng đắn, góp phần rất lớn vào những thành công vang dội của chiến dịch tấn công thành Đông Quan.
Vua Lê Lợi
Ngay phía dưới tầng lầu Lê Lợi thị sát Đông Quan là tầng lầu dành cho Nguyễn Trãi làm việc. Sự bố trí này vừa giúp Nguyễn Trãi hiến kế, bàn thảo việc quân cơ với Lê Lợi được dễ dàng, vừa giúp Nguyễn Trãi thảo ngay được những mệnh lệnh, chỉ thị của Lê Lợi gửi tới các tướng và toàn quân.
Bốn phía thành Đông Quan, Lê Lợi đều cho đặt trại, phân bổ quân tướng ngày đêm vây bủa, chặt đứt mọi đường liên lạc của quân Minh trong thành Đông Quan. Phía ngoài vòng vây này là những vòng vây khác ở các khu Xuân Đỉnh, Mễ Trì, Tây Thanh Trì. Chiến lược bao vây tầng tầng, lớp lớp như cây bắp cải của quân đội Lam Sơn khiến quân Minh trong thành Đông Quan thế cùng, lực kiệt khiến Vương Thông vừa phải ra sức cố thủ, vừa tỏ ý muốn nghị hòa để kéo dài thời gian cầm cự, chờ thêm viện binh.
Lê Lợi, với sự tư vấn của Nguyễn Trãi, cũng muốn giải phóng thành Đông Quan bằng con được đàm phán hòa bình, vừa tránh đổ máu, vừa giữ được thể diện cho quân Minh, tránh những cuộc đối đầu thù hận về sau. Bởi vậy, một mặt, vừa đẩy mạnh chiến dịch công thành lẻ tẻ làm cho quân Minh trong thành ăn ngủ không yên, tạo sức ép quân sự buộc Vương Thông phải đồng ý nghị hòa, vừa dùng phương sách ngoại giao vận động, thuyết phục kẻ thù buông vũ khí, chịu ký hiệp ước hòa hoãn.
Tuy nhiên, vốn là kẻ ranh mãnh, Vương Thông vẫn áp dụng mưu hèn, kế bẩn như trước đây, một mặt làm như muốn nghị hòa, mặt khác vẫn âm thầm chuẩn bị lực lượng chiến đấu, chờ cơ hội đánh úp quân Lam Sơn.
Do nắm thế chủ động, lại tin rằng quân Vương Thông đang không còn tâm thế đâu để chiến đấu, quân đội Lam Sơn có phần lơi là phòng bị. Thấy thời cơ chín muồi, Vương Thông bèn xua quân đánh úp quân đội Lam Sơn. Trận đánh úp này của Vương Thông khiến quân đội Lam Sơn phải chịu tổn thất không ít. Tướng Lý Triện của Lam Sơn đóng quân ở Từ Liêm, do lơi là cảnh giác nên bị tướng Phương Chính của nhà Minh xua quân đánh lén, phải tử trận. Cũng nhân cơ hội này, Vương Thông bèn cất binh đi đánh Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt (phía Tây huyện Thanh Trì ngày nay). Lê Lợi bèn sai hai tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem theo 500 quân đi ứng cứu. Quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí đi đến khu Mỹ Động (nay thuộc huyện Thanh Trì) thì gặp quân Minh, hai bên đánh nhau to. Vương Thông thấy quân Lam Sơn có ít, bèn triển khai quân vây đánh tứ phía, bắt sống được Đinh Lễ và Nguyễn Xí. Sau, tướng Nguyễn Xí trốn được, còn tướng Đinh Lễ bị Vương Thông sát hại.
Nguyễn Tào