Hợp tác hiệu quả trong bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Việt Nam, Nhật Bản và UNESCO đã có những hợp tác hiệu quả trong việc bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

A1

Ảnh: Việt Hà

Sáng 11/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Những thành tựu hợp tác Việt – Nhật về Hoàng thành Thăng Long từ dự án Quỹ tín thác UNESCO/ Nhật Bản.

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả đã thực hiện của các hợp phần dự án, tổng kết và rút kinh nghiệm cho quá trình thực hiện dự án. Đây cũng là cơ hội mở ra những hướng hợp tác mới giữa Việt Nam và Nhật Bản về bảo tồn Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong tương lai. Đồng thời cũng là một hoạt động văn hóa, khoa học góp phần vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Năm 2010, Dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” đã chính thức được ký kết giữa UBND TP Hà Nội và UNESCO, bắt đầu quá trình thực hiện dự án kéo dài trong hơn 3 năm. Đây là dự án chính thức đầu tiên do UNESCO tài trợ cho TP Hà Nội, cũng là lần hợp tác chính thức đầu tiên giữa các chuyên gia Nhật Bản và Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Mục tiêu chủ yếu của dự án là xây dựng một hệ thống quản lý phù hợp cho Khu di tích Hoàng thành Thăng Long để đảm bảo bảo tồn lâu dài và góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của cộng đồng với 3 mục tiêu cụ thể là hỗ trợ nghiên cứu khoa học để đánh giá giá trị của khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, các nghiên cứu khảo cổ học và kiến trúc cổ tại khu khai quật 18 Hoàng Diệu và các nghiên cứu kinh tế – xã hội khác; Đề xuất các biện pháp bảo tồn để bảo vệ và củng cố các khu đã xuất lộ thông qua các nghiên cứu cần thiết, kể cả các cuộc khảo sát về đất và khí hậu; Xây dựng năng lực cho cán bộ chuyên môn Việt Nam và cán bộ quản lý phương pháp luận về lịch sử, khảo cổ đô thị, bảo tồn di tích, quản lý và phát triển di sản

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho biết, bám sát các mục tiêu này, các hợp phần dự án đã được triển khai thực hiện. Các nhóm nghiên cứu trong các lĩnh vực như lịch sử, kinh tế xã hội, quản lý đã được thành lập và sớm đạt được các kết quả đáng khích lệ. Các cuộc hội thảo và các chuyến nghiên cứu đã được tổ chức. Trong các lĩnh vực nói trên, các bằng chứng tìm được đã tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Ngoài ra các phương pháp nghiên cứu đã được củng cố nhằm nghiên cứu và phân tích các khai quật, phân loại hiện vật và đồ tạo tác, thiết lập hệ thống bản đồ định vị toàn cầu, nghiên cứu các tác động của du lịch đối với di sản, cũng như xác định các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch phù hợp nhằm làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách đến di sản quan trọng này.

Đây cũng là cơ hội để các nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phát huy và mở rộng kiến thức, phương pháp làm việc cũng như kỹ năng điều phối nói chung để có thể tổng hợp các tài sản mới được tích lũy này trong công việc tương lai.

Theo bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Quỹ tín thác UNESCO/Nhật Bản, Dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho mô hình hợp tác ba bên, nổi bật là mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ Nhật Bản, Việt Nam và UNESCO, trong đó cam kết mạnh mẽ của 3 bên trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của thế giới đã được tái khẳng định bằng những hành động và kết quả rất thực tế.

Việt Hà

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button