Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học 2013

Sáng 26-9, Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 48”.

hoangthanh

Di tích Hoàng Thành

Hội nghi nhận 456 bài thông báo của các tác giả trong và ngoài nước, chia làm nhiều mảng như Khảo cổ học Thời đại đá (57 bài thông báo), Khảo cổ học Thời đại kim khí (48 bài), Khảo cổ học lịch sử (289 bài), Khảo cổ học Chămpa – Óc eo (38 bài).

Những thành tựu mới nhất của ngành Khảo cổ học Việt Nam với những phát hiện khảo cổ mới được thông báo chi tiết. Tại Hà Nội, một số hoạt động khảo cổ học đáng lưu tâm là Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát, khai quật thăm dò khu vực trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Lần đầu tiên tiếp cận và làm rõ được diễn biến liên tục của lớp văn hóa từ thời Đại La, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ – Mạc và thời Nguyễn.

Khoa sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp với Sở VHTT&DL Hà Nội khai quật di chỉ chỉ Vườn Chuối lần thứ VI. Đáng lưu ý, đợt khai quật đã phát hiện được bộ sưu tập công cụ tre, gỗ nằm trong hố đất đen cùng các mảnh gốm Gò Mun điển hình; làm xuất lộ những ngôi mộ Đông Dơn di cốt còn khá nguyên vẹn. Tầng văn hóa ở Vườn Chuối phát triển liên tục từ văn hóa Đồng Đậu đến Đông Sơn..

Việc Bộ môn Khảo cổ học và Bảo tàng Nhân học phối hợp với Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ khai quật thám sát di tích Thánh Dền lần thứ VIII. Kết quả khai quật đã góp thêm nhiều tư liệu mới cho việc nghiên cứu văn hóa Đồng Đậu ở Hà Nội.

hoangthanh1

Khai quật tàu cổ Châu Thuận Biển

Ngoài những phát hiện khảo cổ mới tiến hành ở Hà Nội, tại nhiều địa phương khác công việc khảo cổ học cũng có nhiểu thành tựu. Đáng chú ý là tháng 8-2013, Viện khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT&DL Lạng Sơn và các chuyên gia nghiên cứu cổ sinh, địa chất Pháp, Úc, khai quật di chỉ hang Cốc Mười (hang Bãi Đá) Lạng Sơn. Đây là một trong số ít các di chỉ cổ sinh học có trữ lượng hóa thạch lớn có thể tiếp tục khai quật, nghiên cứu sau này, góp phần nghiên cứu so sánh với các di chỉ cổ sinh khác ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Một hoạt động khảo cổ học gây chú ý thời gian vừa qua là Sở VHTT&DL Quảng Ngãi đã tiến hành khai quật chữa cháy tàu đắm Châu Thuận Biển. Đây là con tàu đắm cổ nhất được khai quật trong vùng biển Việt Nam với tổng số hiện vật thu được là 274 thùng, từ đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh thuộc thế kỷ 13.

Ngoài ra, Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp với các địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang… khai quật và phát hiện nhiều giá trị khảo cổ học mới tại nhiều hang, động, di tích chùa chiền. Những cổ vật như trống đồng tiếp tục được phát hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Cạn, Sơn La…

Viện khảo cổ học cũng cho biết, hiện nay vẫn còn nhận được nhiều thông báo về phát hiện mới tại các địa phương. Đáng chú ý là thông báo phát hiện tên nước Việt Nam trên cây bia đá ở một ngôi chùa Gia Lộc (Hải Phòng) tại vùng hải đảo phía Đông của Tổ quốc vào đầu thế kỷ 18, cho thấy người xưa rất ý thức về vị trí và chủ quyền quốc gia , dân tộc.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button