Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội”

Sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua quỹ tín thác UNESCO đã kết thúc tốt đẹp. Sáng nay, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các đối tác liên quan đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội” do quỹ tín thác Nhật Bản/ UNESCO tài trợ.

 hoinghitongket1 

Tham dự hội nghị có Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cùng các thành viên Ban chỉ đạo dự án, đại diện Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các chuyên gia phía Nhật Bản.

Dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội” là kết quả của quá trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, đại diện là UBND thành phố Hà Nội với Chính phủ Nhật Bản và UNESCO. Mục tiêu của dự án là: Xây dựng hệ thống quản lý phù hợp cho khu di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội để đảm bảo mục tiêu bảo tồn lâu dài và  góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của cộng đồng, trong đó tập trung: Hỗ trợ nghiên cứu khoa học để đánh giá giá trị của khu di tích, cụ thể là các nghiên cứu khảo cổ học và kiến trúc cổ tại khu khai quật 18 Hoàng Diệu và các nghiên cứu kinh tế – xã hội khác; Đề xuất các biện pháp bảo tồn để bảo vệ và củng cố các khu khai quật đã xuất lộ thông qua các nghiên cứu cần thiết, kể cả các cuộc khảo sát về đất và khí hậu; Xây dựng năng lực cho cán bộ chuyên môn Việt Nam và cán bộ quản lý phương pháp luận về lịch sử, khảo cổ đô thị, bảo tồn di tích, quản lý và phát triển di sản.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là một quần thể di tích có bề dày lịch sử và phong phú về loại hình, bao gồm nhiều tầng lớp văn hóa đan xen chồng xếp lên nhau. Vì vậy việc nghiên cứu bảo tồn di sản là một quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phía Việt Nam và sự giúp đỡ hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Dự án “ Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua UNESCO là một dự án mang tính chất hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn lâu dài di sản Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Các đối tác chính phía Việt Nam tham gia thực hiện dự án có Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Phía Nhật Bản có Viện nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Tokyo, Viện nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara cùng nhiều các chuyên gia chuyên ngành lịch sử, khảo cổ và bảo tồn của Nhật Bản.

hoinghitongket2

Với sự hợp tác chặt chẽ và sự cẩn trọng trong nghiên cứu khoa học, các chuyên gia hai phía Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện từng bước các hợp phần của dự án, bao gồm: Nghiên cứu lịch sử; Nghiên cứu địa chất môi trường, đánh giá tác động của môi trường và đề xuất phương án bảo tồn di tích; Khảo sát đánh giá tình trạng bảo tồn, nghiên cứu phân tích đặc tính đồ gỗ và đề xuất biện pháp bảo tồn đồ gỗ xuất lộ; Tái điều tra khai quật, nghiên cứu khảo cổ học kết hợp với công tác tập huấn và bảo tồn di tích sau khai quật; Nghiên cứu khảo cổ học và phương pháp bảo tồn di tích khảo cổ học tại khu C-D; Phân tích điều kiện hiện tại và phương pháp bảo tồn di vật trong nhà và ngoài trời; Bảo tồn thí điểm mộ táng: Nghiên cứu đánh giá tình trạng bảo tồn di tích mộ táng, thí điểm mộ táng khai quật được tại khu E; Nghiên cứu kinh tế xã hội; Thiết lập cơ sở dữ liệu và hạ tầng thiết bị cho việc lập bản đồ thông tin địa lý (GIS), kết hợp tập huấn cho đội ngũ cán bộ triển khai hệ thống GIS; Xây dựng kế hoạch quản lý di sản; Tổ chức các chương trình tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ phía Việt Nam.

Đánh giá chung về kết quả của dự án, các chuyên gia hai phía đều nhận định dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Hợp phần nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học của dự án đã góp phần làm rõ một số giả thuyết về lịch sử hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long từ thế kỷ thứ 9. Các bằng chứng lịch sử và khảo cổ cũng làm rõ hơn về quy hoạch kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và cấu trúc của Hoàng thành qua các niên đại. Kết quả này đã giúp các nhà khoa học khẳng định kiến trúc cổ tại Hoàng thành không chi đơn thuần chịu ảnh hưởng của các thành cổ Trung Hoa mà còn sở hữu những nét văn hóa riêng, hợp thành bản sắc truyền thống của Hoàng thành. Qua quá trình nghiên cứu bảo tồn liên tục trong vòng hai năm, các nhà khoa học cũng đã xác định được điểm cốt lõi của công tác bảo tồn di tích tại Hoàng thành Thăng Long là bảo tồn đất. Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công thí điểm phương pháp lấp cát che phủ dưới tầng đất kín để bảo tồn di vật. Đối với di vật gỗ bảo tồn tại chỗ và ngoài trời, các nhà khoa học đã hoàn thành xác định đặc tính vật lý, hóa học của nhiều mẫu gỗ tìm thấy tại khu di sản.

Việc hoàn thành Kế hoạch Quản lý khu di sản và thử nghiệm hệ thống thông tin địa lý GIS có vai trò không nhỏ trong việc hình thành hệ thống quản lý đồng bộ và xuyên suốt cho di sản Hoàng thành Thăng Long. Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những thách thức trong công tác quản lý và bảo tồn di sản, Kế hoạch Quản lý nhấn mạnh rằng trách nhiệm bảo tồn không chỉ giới hạn trong việc kéo dài tuổi thọ của di sản mà còn đỏi hỏi đầu tư cho công tác quảng bá và gìn giữ giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, dự án xác định công tác nâng cao năng lực và trao truyền di sản đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn bền vững di sản, trong đó dự án tập trung nâng cao nhận thức của đối tượng thanh thiếu niên về giá trị và các mối đe đọa đối với di sản. Về hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, dự án đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật và thúc đẩy trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam.

Phát biểu tại lễ tổng kết dự án, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã nhấn mạnh “Các thách thức hiện nay ngày càng phức tạp và không thể do một đơn vị hoặc cá nhân giải quyết. Tôi tin tưởng rằng dự án UNESCO/Quỹ tín thác Nhật Bản đã xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình hợp tác trong tương lai về lĩnh vực bảo tồn và quản lý di sản”. Dự án đã kết thúc nhưng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo cho di sản Hoàng thành Thăng Long, bởi việc bảo tồn di sản là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cơ quan, viện nghiên cứu, và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button