Tái hiện lễ giã bánh dày Mochi tại Hà Nội

Lễ giã bánh dày Mochi theo đúng phong cách truyền thống của người Nhật Bản sẽ được tái hiện vào ngày Tết Dương lịch 1/1/2014 tại Khách sạn Nikko, Hà Nội.

banhdaymochi

Ảnh minh họa

Không giống như các nước châu Á khác, người dân Nhật Bản tổ chức lễ hội mừng năm mới vào dịp tết Dương lịch với nhiều tập tục và nghi lễ độc đáo, trong đó có lễ giã bánh dày Mochi.

Đây là một tục lệ và là một nét đẹp văn hoá của người Nhật Bản với ước muốn cầu mong sự may mắn, sức khoẻ và thịnh vượng. Bánh Mochi là vật cúng không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới để cầu nguyện cho sự trường thọ.

Bánh dày Mochi truyền thống được làm hoàn toàn từ gạo nếp ngọt và dẻo mà người Nhật gọi là gạo Mochi. Trước khi đem ra giã, người ta trộn gạo Mochi với đường cát trắng và nước cốt dừa, rồi hấp cách thủy cho đến khi gạo chín. Sau đó được giã nhuyễn trong một chiếc cối gỗ lớn cho đến khi đạt độ dẻo nhất định thì được đưa ra nặn thành những miếng tròn vừa ăn. Vì được làm từ gạo dẻo nên bánh Mochi có độ kết dính rất cao.

Chày và cối giã bằng gỗ là hai vật dụng không thể thiếu trong quá trình làm bánh Mochi. Phải có ít nhất hai người cùng thực hiện các thao tác giã bánh truyền thống, một người giã, một người đảo và làm ướt. Hai người dùng chày gỗ chà mạnh để hạt cơm nát ra tạo thành khối bột thô. Một người trong nhóm tiếp tục dùng chày giã mạnh và đều tay trong khi người còn lại liên tục đảo khối bột và vẩy một ít nước lên đó để bột trở nên day mịn, trơn láng.

Sau khi khối bột đã được giã xong có thể được nấu lên, nướng hoặc kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để cho ra những món bánh Mochi khác nhau. Mỗi tỉnh ở Nhật Bản lại có những loại bánh mochi mang hương vị đặc trưng khác nhau.

Gia Huy

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button