Trưng bày, triển lãm, văn hóa truyền thống đón Xuân Giáp Ngọ 2014

Ngày 22/1/2014, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức khai mạc Triển lãm cây cảnh nghệ thuật và Triển lãm “ Một vài nét Tết xưa” tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là những hoạt động thiết thực kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và mừng xuân Giáp Ngọ năm 2014.

trienlamcaycanh1

Lễ khai mạc triển lãm “Một vài nét Tết xưa” tại  Hoàng thành Thăng Long

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt, là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của trời đất, của vạn vật cỏ cây, để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội. Tết cổ truyền của người Việt với nhiều tập tục văn hóa như hái lộc, xông nhà, khai bút, chúc Tết, đi lễ chùa…, hội tụ đầy đủ nét tinh túy trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam. Triển lãm “Một vài nét Tết xưa” giới thiệu nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật độc đáo về Tết xưa. Đó là những hình ảnh đầy hoài niệm về Không gian thờ ngày Tết, Góc chợ Tết, Hương vị ẩm thực Tết truyền thống, Góc bếp ngày Tết. Đó là những khoảnh khắc trải nghiệm cùng các nghệ nhân gói bánh chưng Tết, các ông đồ trẻ viết thư pháp, cho chữ.

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật và Hoa được tổ chức tại khuôn viên rộng lớn phía trước di tích Đoan Môn, với diện tích trưng bày khoảng 4000 m2, trưng bày, giới thiệu hơn 1000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật. Đây là cuộc triển lãm tương đối lớn về quy mô và đa dạng về thể loại, huy động sự tham gia của đông đảo các hội viên Hội sinh vật cảnh Hà Nội, Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Câu lạc bộ cây cảnh, nhà vườn, nghệ nhân cây cảnh của các tỉnh bạn như Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định.

trienlamcaycanh2

trienlamcaycanh3

trienlamcaycanh4

trienlamcaycanh5

Một số hình ảnh về triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa, triển lãm “Một vài nét Tết xưa”
tại Hoàng thành Thăng Long

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa được tổ chức vào những ngày đầu năm mới và mùa xuân 2014 tại di tích Đoan Môn sẽ tạo ra một khoảng không gian xanh, đa sắc mầu để đón nhân dân thủ đô và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Có thể nói cây cảnh Việt Nam, cây cảnh Thăng Long – Hà Nội là một phần tâm hồn nghệ thuật Việt Nam. Nhiều thế cây chuyển tải nội dung mang tính giáo dục, chuẩn mực làm người, thể hiện giá trị của văn hóa truyền thống, biểu đạt ước mơ của con người vươn tới chân, thiện, mỹ, cầu mong những điều tốt lành như Tam đa, Ngũ phúc. Các nghệ nhân đã chuyển tải những ý tưởng phong phú của mình qua các tác phẩm như: “Cây sanh song thụ”, “Cây tùng cối trực”, “Sanh mẫu tử”, “Tùng phụ tử”, “Sanh phượng vũ”, “Hồn quê”, “Cây đa bến nước”…

Cây truyền thống có hai loại: cây cung đình, được đặt ở những nơi tôn nghiêm và cây gia đình mang tính giáo dục, tình cảm, đạo đức, là lòng yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước. Có nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật thể hiện phóng khoáng về đường nét, hùng vĩ về non bộ và khá đa dạng về phong cách nghệ thuật. Các nghệ nhân đã biết kết hợp hài hòa giữa lối chơi truyền thống và lối chơi hiện đại, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật cây cảnh của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonexia…tạo nên sự phong phú, độc đáo cho những tác phẩm cây cảnh.

Bên cạnh đó, chương trình Xuân Quê hương 2014 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long ( ngày 23/1/2014), với nhiều hoạt động đặc sắc như giới thiệu không gian Tết, chợ Tết với nhiều sản phẩm truyền thống như gốm Bát Tràng, đào quất Nhật Tân, Quảng Bá, quà Tết và chương trình nghệ thuật “ Lạc Hồng vinh hiển”, góp phần quảng bá và tôn vinh văn hóa dân tộc, để kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới cùng  hướng về tổ tiên nguồn cội, cùng vui hưởng một mùa xuân ấm áp, sum họp đoàn tụ theo đúng phong tục Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button