Rộn ràng vui hội
Đón Tết Giáp Ngọ trong tiết trời nắng đẹp, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã đồng loạt được tổ chức khắp nơi. Nơi nào cũng đông như nêm, vui như hội.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những điểm đến đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân
Tại Hà Nội, các chương trình nghệ thuật diễn ra trên tất cả các sân khấu lớn nhỏ ở 29 quận, huyện, thị xã từ đêm Giao thừa đến những ngày đầu xuân mới gắn liền với các hoạt động kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng. Những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mùa xuân tươi đẹp, Hà Nội linh thiêng, hào hoa: “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Niềm tin dâng Đảng”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Xuân đã về”, “Hà Nội ơi”, “Em ơi Hà Nội phố”… do các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn thể hiện không chỉ mang không khí mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà; mà còn là tiếng nói, là niềm tin của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung dâng lên Đảng.
Mở cửa ngày mùng Một Tết (31-1), mỗi ngày Công viên Mặt trời mới thuộc Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây đón hàng nghìn lượt khách. Đến đây, người dân có thể cảm nhận rõ hơn hương vị Tết trong phiên chợ quê với nhiều món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian như nhảy sạp hay xem múa rối cạn, nghe dân ca ba miền…
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội… được nhiều người chọn làm điểm đến đầu xuân. Tham quan Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu xuân mới, nhiều người dân Thủ đô và du khách có cảm giác như “lạc” vào miền di sản khi cùng những phiên chợ Tết, để hiểu phần nào về cách người Hà Nội xưa ăn Tết, đón Tết, vui Tết trong triển lãm “Tết của người Hà Nội” cùng với đó là hình ảnh Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), chùa Cầu Hội An, đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), cung đình Huế… qua triển lãm ảnh di sản thế giới và thấy được sự kỳ công, tỉ mỉ, tài hoa của các nghệ nhân khi xem hơn 1.200 tác phẩm cây cảnh, gỗ lũa và hoa.
Khác với nội thành, mùng Ba Tết, người dân ngoại thành mới bắt đầu đến các tụ điểm vui chơi. Khắp các làng, xã vang vọng tiếng hò reo cổ vũ thi đấu kéo co, chọi gà, chơi trò bịt mắt bắt dê, ô ăn quan…
Với người dân thôn Vân Sa, xã Tản Hồng (Ba Vì), Tết là dịp dân làng chuẩn bị oản, quả, xôi, gà, cau, trầu, rượu, kiệu bát cống, tập diễn trò tứ dân lập nghiệp cho hội làng diễn ra vào mùng Bốn và Năm tháng Giêng, tưởng nhớ công đức liệt nữ Ngũ Nương (Đức Thánh Bà – tướng của Hai Bà Trưng) và Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (con trai thứ của Trần Hưng Đạo). Lời ca, nhịp phách giòn, rền, nền, nảy vang lên ở Lỗ Khê (Đông Anh), Chanh Thôn (Phú Xuyên), An Khánh (Hoài Đức)… như báo hiệu năm Giáp Ngọ an lành, hạnh phúc.
Đặc sắc không kém là phiên chợ cá đầu xuân làng Ngái, xã Hương Ngải (Thạch Thất). Các loại cá mắt đen lay láy được thả trong những chiếc thuyền làm bằng tôn hoặc những chiếc thúng tre đan miết sơn ta, người bán hàng đon đả mời khách phương xa. “Chợ Tết làng Ngái có 5 phiên, mỗi phiên bán một món hàng, nhưng vui nhất, độc đáo nhất là phiên chợ cá mùng Ba tháng Giêng. Chợ cá họp sớm không chỉ tạo điều kiện cho người dân có nguyên liệu nấu bát canh chua thay đổi khẩu vị trong ngày Tết, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở làng Ngái, được người dân đón chờ mỗi dịp Tết đến, Xuân về”
Minh Ngọc (Hà Nội mới)