Thông tin Hội sách Hà Nội – năm 2014

Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014)
(Tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long, từ ngày 26/9/2014 đến 02/10/2014)

hoi-sach-2014

Năm 2014 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân cả nước nói chung và với Thủ đô Hà Nội nói riêng: kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Hội sách Hà Nội năm 2014 là một sự kiện văn hóa lớn nằm trong chuỗi sự kiện của Thành phố nhằm chào mừng và kỷ niệm những sự kiện chính trị – lịch sử – văn hóa trên.

Hội sách Hà Nội năm 2014 do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chủ trì tổ chức, các đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam,…một số nhà xuất bản, công ty sách trên địa bàn Thành phố.

Hội sách với chủ đề: “Kỷ niệm 60 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014)” được tổ chức tại Di sản Hoàng thành Thăng Long (Số 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 26/09/2014 đến 02/10/2014 (mở cửa từ 8h đến 21h hàng ngày). Chương trình buổi Lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội từ 20h00 đến 20h30 ngày 26/9/2014.

Hội sách Hà Nội – năm 2014 lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long. Sự kết hợp giữa Hội sách – ngày hội của văn hóa đọc với một không gian Di sản văn hóa Thế giới của Thủ đô thực sự là một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt. Hội sách không chỉ góp phần nâng cao văn hóa đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống văn  hiến ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân Thủ đô và cả nước về ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày giải phóng Thủ đô, ý nghĩa và niềm tự hào với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) trao tặng Thủ đô Hà Nội.

Với mong muốn Hội sách thật trang trọng, ý nghĩa, mang tính văn hóa và tính giáo dục cao, tạo ấn tượng sâu sắc, Ban Tổ chức đã quan tâm đầu tư cả về hình thức và nội dung, chất lượng của Hội sách. Từ cổng vào Hội sách (số 19C Hoàng Diệu), đến khu vực sân khấu trung tâm (Đoan Môn, Hoàng Thành), các gian chuyên đề trưng bày sách và các gian hàng…đều được thiết kế mang tính mỹ thuật, kỹ thuật cao, thể hiện rõ nét không gian văn hóa Hà Nội.

Ngoài khu vực sân khấu trung tâm, điểm nhấn của Hội sách chính là biểu tượng Khuê Văn Các được xếp bằng sách tại chính giữa trục hoàng đạo của Hoàng Thành Thăng Long, tiếp đến là các không gian trưng bày sách theo 07 chuyên đề:

  • Chuyên đề “Thăng Long xưa – Hà Nội nay”: trưng bày, giới thiệu sách, các ấn phẩm giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội, quá trình xây dựng và phát triểu của Thủ đô mà trọng tâm là Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mô phỏng tư liệu về Thăng Long – Hà Nội được lưu giữ tại Trung tâm hải ngoại Pháp và Công ty Đông Ấn Anh – Hà Lan, đồng thời ra mắt cuốn sách ảnh “Hà Nội – Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình”, do đơn vị Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện.
  • Chuyên đề “Hành trình của sách”: Trưng bày, giới thiệu một số tư liệu sách xuất bản từ những năm cuối thế kỷ XIX đến thập kỷ 70 của thế kỷ XX; trong đó có sách xuất bản trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và những ngày đầu Giải phóng Thủ đô do Thư viện Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp thực hiện.
  • Chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội ”: trưng bày, giới thiệu sách, ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật và Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin phối hợp thực hiện.
  • Chuyên đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”: trưng bày sách, tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và truyền thống lịch sử của quân đội nhân dân Việt Nam do Thư viện Quân đội và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp thực hiện.
  • Chuyên đề “Hà Nội với biển đảo quê hương”: trưng bày sách, ảnh, bản đồ, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam; sách, ảnh, tài liệu về các hoạt động của Hà Nội với đảo Trường Sa do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật và Nhà xuất bản Thông tin – Truyền thông phối hợp thực hiện.
  • Chuyên đề “Khám phá thế giới”: Trưng bày, giới thiệu những cuốn sách hay dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện.
  • Chuyên đề “Sách hay – Sách đẹp”: Trưng bày, giới thiệu những cuốn sách được trao giải thưởng sách hàng năm của Hội Xuất bản Việt Nam.

Bên cạnh phần trưng bày, Hội sách sẽ là nơi hội tụ, giới thiệu và bán sách, ấn phẩm với 112 gian hàng của 45 nhà xuất bản, công ty sách trên cả nước với số lượng trên 10.000 tên sách, hàng vạn bản sách gồm nhiều thể loại phong phú, đa dạng: sách thiếu nhi; sách văn học, văn hóa xã hội; sách kinh tế, khoa học kỹ thuật; sách ngoại văn; sách điện tử và thiết bị số,…Đặc biệt, để tri ân bạn đọc đã đồng hành cũng ngành xuất bản trong thời gian qua, trong những ngày diễn ra Hội sách, các đơn vị tham gia sẽ thực hiện chương trình bán sách giảm giá, khuyến mại trừ % phí phát hành trên các loại xuất bản phẩm. Tuy nhiên, Ban Tổ chức yêu cầu mức giảm giá tối đa không được vượt quá 50% giá sản phẩm đó ngay trước thời gian khuyến mại (theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành).

Hội sách Hà Nội cũng sẽ là nơi tổ chức các cuộc ký kết đối tác chiến lược, tọa đàm, giao lưu giữa đọc giả với các tác giả, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu,…nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với đọc giả, nhất là đọc giả trẻ. Trên cơ sở các chương trình do các đơn vị đăng ký, để phù hợp với chương trình tổng thể của Hội sách, Ban Tổ chức đã thống nhất sẽ có 17 chương trình hội thảo, tọa đàm, giao lưu tại Hội sách tại các không gian được thiết kế phù hợp. Một trong số đó phải kể đến: Tọa đàm “Trao đổi xung quanh bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” của Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ biên bộ sách do Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện, Tọa đàm “Hà Nội – nguồn cảm hứng bất tận của thơ văn” của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây; “Tuổi trẻ Hà Nội và Văn hóa đọc” của Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; “Nói chuyện chuyên đề Chủ quyền biển đảo Việt Nam” do NXB Thông tin và Truyền thông tổ chức; Lễ ký kết đối tác chiến lược giữa Nhà xuất bản (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Sách Alpha…

Với mục đích tạo ra một không gian văn hóa ấn tượng, hấp dẫn và phong phú phục vụ mọi đối tượng bạn đọc, Hội sách còn tổ chức các hoạt động bên lề như: viết thư pháp, khắc dấu gỗ, trang trí bookmarks, bố trí khu vực Cafe sách, khu vui chơi của trẻ em…

Điểm đặc biệt của chương trình, Ban Tổ chức phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội phát động các đơn vị tham gia Hội sách và độc giả ủng hộ, tặng sách cho các thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa tại các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thành phố, các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Ban tổ chức đã bố trí không gian, nhân sự để tiếp nhận sách trong suốt thời gian mở cửa Hội sách. Số lượng sách được ủng hộ sẽ được công bố công khai và có tổ chức trao tặng tại Lễ bế mạc Hội sách.

Ban Tổ chức hy vọng, Hội sách Hà Nội  năm 2014 “Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014)” lần đầu tiên được tổ chức, sẽ là một không gian văn hóa đặc biệt, có sức hấp dẫn, sự lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, tạo tiền đề tổ chức hàng năm, nhằm trưng bày, giới thiệu sách, các ấn phẩm của các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị liên kết xuất bản của Hà Nội và các cơ quan Trung ương, địa phương khác trong cả nước. Hội sách thực sự là ngày hội lớn của những người yêu sách, là dịp tôn vinh văn hóa đọc, cũng sẽ là môi trường để tất cả các đơn vị xuất bản, in, phát hành sách và Công ty hoạt động  kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, truyền thông có điều kiện khẳng định và quảng bá thương hiệu, giao lưu, gặp gỡ, ký kết hợp đồng và tiếp cận các nhu cầu văn hóa đọc đa dạng và không ngừng phát triển của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Sở Thông tin và Truyền Thông Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button