Hội thảo Quốc tế: Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam
Trải qua quá trình phát triển liên tục hơn một thế kỷ, từ năm 1900 đến nay, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam như Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn bản học, Bảo tàng học, Sử học, Hán nôm, Xã hội học…
Bên cạnh đó EFEO còn góp phần xây dựng một đội ngũ các nhà Việt Nam học Quốc tế (đa phần là các học giả người Pháp), đồng thời đào tạo một thế hệ các nhà Khoa học Xã hội Việt Nam hiện đại trong thế kỷ 20, tổ chức nhiều dự án nghiên cứu, đặc biệt trong Khảo cổ học có các dự án: Nghiên cứu đánh giá giá trị của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu trưng bày các di vật tiêu biểu tại di tích 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu trưng bày di vật tiêu biểu tại Trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu kinh nghiệp Quốc tế tại Pháp và Bỉ trong việc bảo tồn tại chỗ di sản Khảo cổ học, nghiên cứu và đề xuất phương án bảo tồn phát huy giá trị Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định)…
Trong hai ngày 5, 6 tháng 12 năm 2014, Trường Đại học Khoa học Khoa học Xã hội và Nhân văn kết hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế: Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam.
Trong hai ngày làm việc, 30 tham luận được trình bày tại 6 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Lịch sử EFEO thời kỳ thực dân
Tiểu ban 2: Trao đổi khoa học và đào tạo tinh hoa khoa học quốc gia trong thời kỳ thực dân
Tiểu ban 3: Trao đổi khoa học và đào tạo tinh hoa khoa học từ khi độc lập đến thời kỳ đổi mới
Tiểu ban 4: Trung tâm EFEO ở Việt Nam từ khi EFEO được mở lại đại diện vào năm 1993
Tiểu ban 5: Hợp tác khoa học của các viện nghiên cứu Việt Nam và của các Bảo tàng với trung tâm EFEO từ năm 1993
Tiểu ban 6: Các trung tâm EFEO ở Đông Nam Á
Trong số 30 tham luận trình bày trong 02 ngày Hội thảo, có 02 tham luận trình bày về các nghiên cứu hợp tác giữa EFEO và Trung tâm Bảo tòn Di sản Thăng Long – Hà Nội.
Đó là tham luận của PGS.TS Tống Trung Tín với tiêu đề: Các hoạt động của EFEO phối hợp với Viện Khảo cổ học trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, tham luận của TS. Nguyễn Văn Sơn với tiêu đề: Quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (từ năm 2010 đến nay)
Trong các bài tham luận đó có giới thiệu chương trình nghiên cứu đánh giá giá trị của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu trưng bày di vật tiê biểu tại di tích 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu trưng bày các di vật tiêu biểu tại Trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu bảo tồn tại chỗ di sản Khảo cổ học… Những thành tựu của các chương trình nghiên cứu hợp tác đã góp phần đưa Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Thế giới năm 2010, góp phần quảng bá Di sản văn hóa Việt Nam với công chúng trong và ngoài nước.
Và một số các cuộc trưng bày chuyên đề như: Từ chuyển đổi đến phá hủy thành Hà Nội thế kỷ 19: Những thách thức chính trị và quy hoạch không gian đô thị (2010), Một số hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội giai đoạn 1873-1945 (2012), Một vài nét về đời sống thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ 20 qua tranh khắc của Henri Orfer (2012).
Ngoài ra EFEO còn hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trong công việc khai thác các nguồn tài liệu làm phong phú thêm khối lượng tư liệu tại thư viện Trung tâm phục vụ cho cán bộ và các đối tượng tới nghiên cứu.
Bùi Thị Thu Phương
Phòng Nghiên cứu Sưu tầm Di sản
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội