Những kỷ vật không thể nào quên

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ở khắp nơi trên cả nước ta đã diễn ra nhiều hoạt động tri ân, kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4/1975. Ngày 30/4 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, như một bản hùng ca bất diệt và trở thành ngày chiến thắng, ngày thống nhất, tràn ngập cảm xúc, tràn ngập niềm vui của cả dân tộc Việt Nam. Để có được thắng lợi vĩ đại này, hàng triệu gia đình đã phải chịu cảnh mất mát, chia ly, con xa mẹ, vợ xa chồng, anh xa em, bạn bè, đôi lứa xa nhau…. 43 năm đã trôi qua, nhưng quả thực chiến tranh vẫn chưa lùi xa,  những câu chuyện sinh tử thời chiến vẫn còn đong đầy cảm xúc trong ký ức của những người lính và cả dân tộc, để chúng ta thấy cái giá của hòa bình, để không ai lãng quên và không ai bị lãng quên.

Vào dịp này, nhiều câu chuyện, hình ảnh, kỷ vật của cả một thời chiến đấu hy sinh gian khổ lại được chia sẻ để nhắc nhớ, để tri ân và cả để tha thứ.

Trong thời chiến, có thể nói những cánh thư đã trở thành vật bất ly thân và gắn bó mật thiết với mỗi người lính; là cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương; là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện và mong ước hòa bình. Mỗi lá thư gửi đi, gửi đến từ hậu phương, từ tiền tuyến đã động viên, khích lệ tinh thần người chiến sỹ và làm an lòng người ở nhà. Mong thư đã trở thành một cảm xúc thật đặc biệt thời đó. Cùng với những cánh thư không thể thiếu những con tem thân thuộc, ngược xuôi khắp muôn nơi.

Ở triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ta có thể bắt gặp một người mẹ, một người lính già và cả những bạn trẻ rưng rưng nước mắt, không kìm nén được cảm xúc trước mỗi hiện vật, kỷ niệm thân thương. Những lá thư thời chiến được viết mọi lúc, mọi nơi, khi dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, góc rừng già bình yên hay bên trận địa còn vương khói súng; gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ, bao hy vọng và không hề bi lụy, không hề nhụt chí. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những lá thư đi về không trọn vẹn, có khi phải mất cả năm người thân mới nhận được, có những lá thư đến tay người nhận thì người lính đã hy sinh, lại có những lá thư được trở về từ lòng đất mẹ.

kyvat01

Những lá thư thời chiến

Cuộc sống thời chiến thiếu thốn, vất vả, hiểm nguy khôn lường, bom đạn ác liệt, ly tán nhưng không hề làm giảm đi tình cảm quê hương, gia đình và ý chí sắt đá của người lính. Trong lá thư gửi mẹ ngày 19/7/1968, để an lòng mẹ ở hậu phương, chị Võ Thị Tần đã viết “…Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ…”. Đây là lá thư chị Võ Thị Tần viết về cho mẹ 5 ngày trước khi hy sinh.

Thư của Thượng úy Đỗ Sâm, phòng pháo binh, Bộ tham mưu quân khu 5 viết cho vợ là chị Đào Thu Quý trước khi lên chiến trường Tây Nguyên chiến đấu tháng 4/1968: “…Em hãy luôn tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở trên tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ Quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục”.

Thư của những người mẹ, người vợ, người con, bạn bè, người thân ở hậu phương gửi cho người chiến sỹ ở chiến trường luôn chan chứa tình cảm gia đình, quê hương. Đồng thời luôn nhắc nhở, động viên, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, nghị lực cho người chiến sỹ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và chờ mong các anh chiến thắng trở về.

kyvat02

Thư của chiến sỹ Lê Văn Huỳnh viết cho gia đình ngày 11/9/1972. Anh hy sinh ngày 2/1/1973 tại Quảng Trị

Thư của con trai Trần Trung Tín gửi bố là Trần Văn Phác, chủ nhiệm Chính trị quân giải phóng Miền Nam hứa cố gắng học tập, tu  dưỡng để trở thành cháu ngoan Bác Hồ : “… Bố ạ, con chỉ mong sao lớn nhanh lên để cùng cha anh đánh giặc Mỹ bảo vệ nước nhà. Nhưng nhiệm vụ trước mắt là học tập, lao động, tu dưỡng để trở thành cháu ngoan Bác Hồ”.

Và rất nhiều những lá thư như thế được viết từ trong sâu thẳm niềm thương nỗi nhớ, được viết ra từ trong lửa đạn, trong sự khốc liệt của chiến tranh. Những lá thư giờ đây đã trở thành kỷ vật vô giá.  Và đi cùng với những lá thư  thời chiến là hình ảnh những con tem giản dị, mang dấu ấn của thời gian, của sự  kết nối và thân thuộc với bao thế hệ. Trong thời chiến, những con tem cũng có một sứ mệnh lịch sử, là cầu nối, là tình thương, là trách nhiệm giữa người ở hậu phương với người ở tiền tuyến.

Một bộ sưu tập tem bưu chính gồm 48 phơi tem kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước cũng được trưng bày trong dịp này tại Di tích cách mạng Nhà D67 trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Minh chứng thực tiễn các sự kiện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1945- 1975, Bưu điện Việt Nam đã phát hành những bộ tem, mẫu tem để khắc họa những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến kháng chiến trường kỳ và chiến dịch Điện Biên Phủ; giai đoạn miền Bắc phát triển sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang, chống chiến tranh phá hoại và cả nước bước vào chiến dịch Mùa xuân 1975, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đặc biệt là những bộ tem kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước đã mang lại cho khách tham quan những cảm xúc tự hào về ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

 Bộ tem mang mã số 320 “Tổng tiến công 1975” phát hành ngày 14/12/1976 là bộ tem đầu tiên có mẫu tem về ngày 30/4/1975. Bộ tem gồm 6 mẫu do 3 họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế. Trong đó có 2 mẫu về Giải phóng Buôn Mê Thuột ngày 12/3/1975 (với 2 mệnh giá gồm 2 xu và 50 xu); 2 mẫu về Giải phóng Đà Nẵng 20/3/1975 (với 2 mệnh giá 3 xu và 1 đồng); 2 mẫu về Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 (2 mệnh giá 6 xu và 1 đồng).

kyvat03

 Bộ tem mã số 461 “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” phát hành ngày 30/4/1985 được đánh giá là bộ tem đẹp, giàu ý nghĩa và độc đáo nhất. Bộ tem gồm 4 mẫu và 1 bloc do họa sĩ Huy Toàn thiết kế, được in tại Cuba. Theo đánh giá của ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vietstamp, trong bộ tem này, ý nghĩa nhất là mẫu tem 5 đồng “Hoàn toàn thống nhất” thể hiện 3 cô gái (tượng trưng cho 3 miền) mặc áo dài, hân hoan trong niềm vui thống nhất, bên cạnh là bản đồ non sông Việt Nam liền một dải.

kyvat04

Những con tem gắn bó với bao thế hệ cha anh, gợi nhớ bao kỷ niệm một thời oanh liệt, gian khó. Cho dù hôm nay nó có vẻ lạ lẫm với các bạn trẻ thời @ nhưng đã làm tròn sứ mệnh của mình một thời, là nhịp cầu “nối những bờ vui”. Và cũng thật dễ hiểu vì sao những lá thư ố vàng, nét chữ phai mờ trở về từ chiến tranh lại đem đến cho chúng ta những cảm xúc chân thực lạ thường.

Và tôi không hiểu vì sao lại có sự liên tưởng đầy cảm xúc, diệu kỳ giữa những cánh thư và những con tem khi xem hai triển lãm tại Bảo tàng lịch sử quân sự  Việt Nam và Hoàng thành Thăng Long,

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long –  Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button