Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội
Đến nay, kết quả thực hiện của các Đề án và các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Ảnh Gia Huy
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, các đề án triển khai trong năm 2014 – 2015 và những năm tiếp theo đang phát huy những kết quả tích cực trong việc bảo tồn giá trị di sản của Thủ đô như: Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích trên địa bàn TP; Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; Đề án bảo tồn làng cổ Đông Ngạc, Đề án phát huy giá trị “Không gian lễ hội Gióng” tại Gia Lâm và Sóc Sơn; Đề án bảo tồn di sản tư liệu thế giới 82 bia đá Tiến sỹ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Gần 6.000 di tích các loại
Qua nhiều số liệu tổng hợp bước đầu của Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích cho thấy, trên địa bàn TP có gần 6.000 di tích các loại (trong khi đó năm 2009, tổng số di tích của Hà Nội mới là 5.175 di tích).
Chính vì số lượng di tích lớn nhất cả nước, nên các di tích tại Hà Nội đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình, từ di tích lịch sử, di tích nghệ thuật, di tích khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, làng cổ, phố cổ… Trong đó, Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu được công nhận Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu; 11 di tích Quốc gia đặc biệt; 1.169 di tích cấp Quốc gia; 1.162 di tích cấp TP…
Việc tổng kiểm kê các di tích trên địa bàn giúp xác định rõ thực trạng của các di tích để có định hướng quản lý, xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo phù hợp với điều kiện thực tế của TP trong giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo.
Đến năm 2013, TP đã hoàn chỉnh việc kiểm kê giám định di vật, cổ vật tại các điểm di tích, để bảo vệ các di vật, cổ vật, đồng thời xây dựng hồ sơ đăng ký bảo vật Quốc gia cho các cổ vật tiêu biểu, độc bản, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao tại các Bảo tàng và di tích trên địa bàn.
Đặc biệt, đầu năm 2015, trong đợt công nhận bảo vật Quốc gia đợt 3, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận cho 5 nhóm bảo vật Quốc gia đầu tiên của Thủ đô với 121 bảo vật quý giá đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích như chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và chùa Đào Xuyên (huyện Gia Lâm).
Đề án bảo tồn di sản tư liệu thế giới 82 bia đá Tiến sỹ Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được thực hiện đến năm 2022 với các dự án thành phần như: Hệ thống hóa và số hóa tư liệu về 82 bia Tiến sỹ và các vấn đề liên quan đến hệ thống 82 bia Tiến sỹ trên các mặt Sử học, Mỹ thuật, Văn học… Ngoài ra, bảo tồn để hệ thống bia đá chống xâm thực từ thời tiết, con người và thể nghiệm tu bổ, tôn tạo các bia đá bị ảnh hưởng bởi thời gian, thiên tai, chiến tranh và các nguyên nhân khác.
Theo ông Trương Minh Tiến, phát huy giá trị di sản bia Tiến sỹ góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam qua truyền thống văn hóa, khoa bảng, truyền thống và các danh sỹ nổi tiếng qua các thời kỳ lịch sử.
Ông Trương Minh Tiến cũng cho biết, Đề án bảo tồn làng cổ Đông Ngạc ở quận Nam Từ Liêm là một đề án khó và phức tạp. Kinh nghiệm từ việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm đã đặt ra những vấn đề và những kinh nghiệm thực tiễn để thấy rằng bảo tồn làng cổ không chỉ là công tác nghiên cứu, xây dựng đề án, mà còn là cả một chặng đường dài cần có sự phối hợp của nhiều ngành, chính quyền và nhân dân địa phương khi thực hiện đề án nhằm bảo tồn một ngôi làng cổ có truyền thống khoa bảng với nhiều danh sỹ, nhiều dòng họ thi thư nổi tiếng cùng không gian kiến trúc, không gian văn hóa làng Việt truyền thống tiêu biểu ở đồng bằng Bắc bộ.
Phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015 khi hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ kịp thời các di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện hoặc đang có nguy cơ mai một cao cần được bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, củng cố và nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ và cộng đồng về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội.
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu văn hóa phi vật thể được Sở Văn hóa và Thể thao, các viện nghiên cứu, trường đại học, Hội Văn nghệ dân gian quan tâm nghiên cứu, sưu tầm. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như chèo, tuồng, ca nhạc, rối nước, cẩm thực, nghề thủ công… được ghi hình, tuyên truyền, quảng cá trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người dân có những hiểu biết về loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện trên địa bàn TP có 1.115 lễ hội, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi và bảo tồn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân.
Bên cạnh đó, những dự án và kế hoạch cụ thể của Đề án bảo tồn và phát huy giá trị không gian Lễ hội Gióng phục vụ du lịch cũng đã được triển khai góp phần nâng cao nhận thức của cả chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương về giá trị di sản, cách thức nhận diện và bảo vệ di sản trong đời sống đương đại, phát triển du lịch nhưng không làm sai lệch không gian văn hóa.
Theo ông Trương Minh Tiến, việc bảo tồn nguyên dạng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ngay trong chính đời sống cộng đồng hay việc tôn vinh và có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể để di sản luôn được trao truyền, tiếp nối và làm phong phú nó trong đời sống cộng đồng là một vấn đề khó, cần được tiếp tục quan tâm, thực hiện trong thời gian tới. Như vậy, mới có thể giữ được nét đặc sắc của di sản văn hóa Thủ đô trong quá trình giao lưu, hội nhập hiện nay.
Gia Huy (chinhphu.vn)