Lễ công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000)
Sáng nay (ngày 26/10/2015), tại đình Ngự Triều Di Quy – Khu di tích Cổ Loa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) theo quyết định số 1004/QĐ – TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự Lễ công bố Quy hoạch có các đại biểu đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban đối ngoại Trung ương, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, UBND thành phố Hà Nội, các Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội và Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, UBND huyện Đông Anh cùng nhân dân các xã Cổ Loa, Dục tú, Việt Hùng, Uy Nỗ…
Thành Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt, thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 17km về phía Bắc theo đường bộ. Cổ Loa từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ III- II trước Công nguyên) và là kinh đô của nước ta thời Ngô Quyền. Trên mặt đất Cổ Loa vẫn còn lưu giữ dấu tích toà thành được đào đắp, bồi trúc liên tục suốt hơn 2000 năm, rất đồ sộ không chỉ về qui mô mà còn về kiểu thức và cấu trúc xây dựng. Đây là tòa thành lớn nhất của Việt Nam và toàn khu vực Đông Nam Á thời cổ đại. Nơi đây cũng bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cổ Loa.
Từ năm 2007, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành Cổ Hà Nội (nay là Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội) thực hiện lập Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) và lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thầu lập quy hoạch là Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và nông thôn (nay là Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia).
Xác định đây là một đồ án quy hoạch khó, có tính đặc thù cao nên Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan triển khai các bước nghiên cứu lập quy hoạch một cách bài bản, đúng quy trình, trong đó chú trọng công tác khảo sát dữ liệu đầu vào như: Điều tra xã hội học; Nghiên cứu sưu tầm, tập hợp tài liệu Khu di tích; Khảo sát tình hình phát triển kinh tế xã hội; Khảo sát đo vẽ hiện trạng, hoàn thiện hồ sơ từng di tích; Lập Báo cáo đánh giá xác định giá trị di tích; Khai thác tài liệu khu di tích thành Cổ Loa và các tài liệu có liên quan tại Pháp; Xây dựng nội dung bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa, đề xuất ý tưởng quy hoạch xây dựng Khu di tích. Trên cơ sở thông tin, dữ liệu khảo sát, đơn vị tư vấn đã đề xuất Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1083/QĐ-TTg, ngày 14/8/2012. Trong quá trình đó, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã nhận được sự đóng góp của cộng đồng dân cư tại địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia từ Viện Quy hoạch phát triển đô thị vùng Ile de France (IAU-IdF) và tư vấn nước ngoài của công ty IPROPLAND (Đức).
Quy hoạch được phê duyệt gồm 03 sản phẩm:
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực di tích Thành Cổ Loa: Quy mô dân số; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu di tích; Quy hoạch không gian và thiết kế đô thị; Quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật;
Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa: Bao gồm các chương trình và hợp phần dự án đầu tư tổng thể gồm 7 Chương với 68 hợp phần gồm Các chương trình: Nhà ở, di dân tái định cư; Bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể; phát triển hạ tầng; Bảo tồn và khai thác các giá trị môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với Khu di tích; Phát huy giá trị di tích, thông tin quảng bá và phát triển du lịch; An sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý, xúc tiến đầu tư.
Xây dựng Quy chế Quản lý Đầu tư Xây dựng và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa: Mục tiêu nhằm định hướng cho công tác quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư và toàn bộ các hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, các cá nhân đơn vị tham gia hoạt động hoặc sinh sống trong Khu di tích có trách nhiệm tuân thủ quy chế này.
Phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch, Ông Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh “ Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch, đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt Quy chế Quản lý Đầu tư Xây dựng và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa, phê duyệt các quy hoạch chi tiết và công bố rộng rãi nội dung Quy hoạch tại địa phương trong vùng để nhân dân biết và tham gia giám sát việc thực hiện Quy hoạch”
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai kế hoạch tổng thể, các dự án đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích cũng như xây dựng Khu di sản thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội