Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, 5 năm một chặng đường

Trong những ngày mùa thu lịch sử, du khách đến thăm Hoàng thành Thăng Long dường như cảm nhận được trọn vẹn hơn những dấu ấn linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa, lắng đọng cảm xúc trong không gian, thời gian của khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1000 năm.

Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới vào mùa thu năm 2010, đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chặng đường 5 năm của Khu di sản gắn với sự trưởng thành vượt bậc của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chúng ta càng tự hào, biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến dân tộc và để lại cho con cháu một di sản nhân loại hôm nay.

hoangthanh5nam

Lễ trao bằng di sản thế giới vào tháng 10/2010

Những phát hiện “đột phá”

Từ năm 2002- 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long –  Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Giới khoa học trong nước và quốc tế đồng thuận nhất trí đánh giá cao những phát hiện của khảo cổ học về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, coi đây là phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử, văn hoá của dân tộc, góp phần nâng cao vị thế và lòng tự hào dân tộc Việt Nam. Đến năm 2004, khu vực Thành cổ Hà Nội sau nhiều năm “kín cổng cao tường” đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Thành phố Hà Nội. Tháng 10 năm ấy, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của hàng vạn đồng bào thủ đô và cả nước. Từ đây những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng Thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở. Kết quả nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử, và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) ông Koichiro Matsuura khi đến thăm khu di tích ngày 17/7/2005 đã đánh giá rằng: Đây là khu di tích rất độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà cho cả thế giới. Theo Công ước về di sản văn hoá thì Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều tiềm năng và đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.

Lúc này chúng ta đã hy vọng có một di sản thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, bởi giá trị tự thân của di sản đã mang tầm vóc nổi bật toàn cầu.

Hoàng thành Thăng Long – 5 năm một chặng đường

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội trở thành di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào của nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị khu di sản. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Ngay trong năm 2010, khu di sản đã gấp rút triển khai một đợt chỉnh trang trang lớn, tạo dựng diện mạo khang trang, sạch đẹp, thông suốt từ Đoan Môn đến Hậu Lâu để đón khách tham quan. Khu khảo cổ học được thành phố đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cầu dẫn và mở cửa từ dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đến nay.

Trong các năm tiếp theo, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu di sản. Trong đó tập trung tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm theo chuyên đề phục vụ nhân dân và khách tham quan trong các dịp lễ, tết; Sưu tầm tư liệu, hiện vật Hầm chỉ huy Tác chiến, mở cửa căn hầm phục vụ khách tham quan. Đến nay, Hoàng thành Thăng Long đang dần trở thành một điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế, là điểm đến của kiều bào mỗi dịp Tết đến Xuân về trong chương trình Xuân quê hương, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Hội sách Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản, Đại lễ phật đản…Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn giới thiệu di sản của cả nước và nhân loại được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, trong đó chú trọng mở rộng, liên kết quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long với các tỉnh bạn như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh,Nam Định, Thanh Hóa…

hoangthanh5nam2

Biểu diễn văn hóa truyền thống tại di sản Hoàng thành Thăng Long

Trong công tác nhất thể hóa quản lý khu di sản, Trung tâm đã tiếp nhận khu A- B (khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và mở cửa thường xuyên phục vụ khách tham quan; Từng bước tiếp nhận, quản lý 9,14 ha diện tích di tích Thành cổ do Bộ Quốc phòng bàn giao.

 Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) theo Quyết định số 1647/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch này. Đến nay đồ án đã hoàn thành và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, là cơ sở để từng bước đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di sản theo hướng lâu dài, bền vững.

Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn khu di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án tổng thể nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên, Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu và nghiên cứu khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt.Trung tâm đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực phía Bắc Đoan Môn và khu vực nền điện Kính Thiên. Kết quả khai quật đã cho thấy những hiểu biết rõ hơn về Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, qua việc phát hiện đường nước lớn thời Lý và không gian sân Đan Trì (Long Trì) thời Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung hưng. Những phát hiện mới này cùng với kết quả khai quật ở khu vực Vườn Hồng càng làm rõ hơn những nghiên cứu về khu vực chính tâm của Cấm thành Thăng Long.

Dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” do quỹ tín thác Nhật Bản UNESCO tài trợ, sau 4 năm thực hiện đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.  Kế hoạch quản lý di sản được UBND thành phố phê duyệt, là cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng cho việc nghiên cứu bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long lâu dài.

Kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm với các cơ quan trong nước và quốc tế trong thời gian qua ngày càng khẳng định và làm sáng rõ hơn những giá trị khảo cổ học to lớn và giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Từng bước bảo tồn lâu dài khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa.

hoangthanh5nam3

Lễ hội Cổ Loa

Trong thời gian qua, bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý bảo tồn khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa. Đây là khu di tích có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa quan trọng, được các nhà khoa học đánh giá “ là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Hiện nay khu di tích còn lưu giữ nhiều loại hình di tích vật thể và phi vật thể phong phú độc đáo, gắn với thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc. Khu di tích Cổ Loa được Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012.

Đối với khu di tích Cổ Loa, Trung tâm đã chú trọng công tác xây dựng bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ chuyên môn, nâng cấp bộ phận quản lý di tích để đáp ứng yêu cầu quản lý một di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa ( tỷ lệ 1/2000) được Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước triển khai các chương trình, dự án thành phần, thực hiện mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích Thành Cổ Loa trở thành công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân Cổ Loa từng bước bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Cổ Loa.

Trong 5 năm qua,Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã có những bước đi vững chắc, thu được nhiều thành tựu trong công tác quản lý bảo tồn hai khu di sản quý báu của dân tộc và nhân loại. Đặc biệt là công tác xây dựng bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu quản lý di sản trong điều kiện mới. Công tác nghiên cứu bảo tồn di sản được tập trung chỉ đạo và nâng lên một tầm mới, với nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực bảo tồn di tích, mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá di sản…

Những thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong Trung tâm đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng xứng đáng: Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen và Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội, cùng nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác.

Phát huy những kết quả đạt được, trong chặng đường tiếp theo, Trung tâm luôn tự hào và phấn đấu hoàn thành những trọng trách lớn lao trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản cho muôn đời con cháu mai sau.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button