Nỗi lo bảo quản di vật khảo cổ Hoàng thành
Hàng chục ngàn két di vật khảo cổ tại các khu vực C-D thuộc 18 Hoàng Diệu đã được di chuyển sang khu Thành cổ Hà Nội trong những ngày vừa qua. Nhưng giờ đây, băn khoăn lớn nhất là việc thiếu mặt bằng tiếp nhận,cũng như thiếu phương án bảo quản các di vật khảo cổ nói trên. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long.
Thiếu mặt bằng tiếp nhận hiện vật
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) công tác di chuyển hiện vật từ khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu sang khu Thành cổ được thực hiện theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1, Trung tâm bố trí địa điểm số 5 Hoàng Diệu và số 4 Nguyễn Tri Phương trong khu Thành cổ Hà Nội với diện tích 2.700 m2 làm nơi bảo quản, quản lý di vật và tổ chức di chuyển di vật từ khu C-D sang. Trong giai đoạn 2, toàn bộ di vật gạch, ngói, đồ gỗ, đồ đá của khu A-B-C-D và các khối di tích, di vật của khu E (khu vực xây nhà Quốc hội) hiện đang được bảo quản tại khu C-D cũng phải di chuyển sang khu Thành cổ Hà Nội trước khi bàn giao mặt bằng di tích khu C-D cho thành phố Hà Nội quản lý.
Theo đó, trong tháng 10 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thành việc di chuyển hơn 37.000 két di vật khảo cổ tại khu C-D (18 Hoàng Diệu) sang khu Thành cổ Hà Nội.
Tuy nhiên, việc di chuyển hiện vật khu E (các di vật thu được khi khai quật mặt bằng xây dựng nhà Quốc hội) sang khu vực Thành cổ đang gặp vướng mắc. Bởi, toàn bộ khối gạch ngói, chân tảng đá có thể di chuyển được; nhưng 145 khối hiện vật khác và các bể ngâm cấu kiện gỗ nếu di chuyển sang sẽ khó khăn về mặt bằng tiếp nhận. 145 khối hiện vật này hiện đang được bảo quản tại khu C-D trong một căn nhà thép rộng tới 1.300 m2, khi di chuyển sang khu Thành cổ sẽ không đủ diện tích để xây dựng một nhà bảo quản tương tự
Chưa kể khu Thành cổ đã là Di sản văn hóa Thế giới nên trước khi xây dựng nhà bảo quản hiện vật phải tiến hành khai quật, xin ý kiến của các cơ quan chức năng và thời gian hoàn thành xây dựng khá lâu. Một mặt, các cấu kiện gỗ ngâm tại bể bảo quản khi được di chuyển rất dễ ảnh hưởng; nếu xây dựng bể chứa lâu dài cũng phải thực hiện công tác khảo cổ, xin phép cơ quan chức năng. Vì thế, Trung tâm đang kiến nghị các cơ quan chức năng tạm thời bảo quản khối di vật, hiện vật tại vị trí cũ.
Bàn giao đúng tiến độ, nhưng nỗi lo còn đó…
Trước đó, thực hiện cam kết đối với những khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long, Bộ VHTT&DL đã thống nhất với các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc bàn giao Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội quản lý trong tháng 10-2013. Và để chuẩn bị cho việc tiếp nhận khu Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Trung tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tiếp nhận khu di tích 18 Hoàng Diệu cũng như bố trí mặt bằng, kho bãi để lưu giữ toàn bộ di vật tại đây.
Được biết, ở thời điểm năm 2012, Trung tâm đã có phương án phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lập thiết kế chi tiết để trình phê duyệt và tổ chức đầu tư xây dựng việc bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản. Nhưng có lẽ do mắc ở nhiều khâu, nên đến nay, tuy việc bàn giao di vật khảo cổ 18 Hoàng Diệu về khu Thành cổ Hà Nội đã hoàn tất, mà địa điểm tiếp nhận cũng như phương án bảo quản vẫn còn ngổn ngang trăm mối…
Trong cuộc kiểm tra tiến độ bàn giao, tiếp nhận hiện vật khai quật tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Chủ trương di chuyển toàn bộ hiện vật khai quật tại khu E sang khu vực Thành cổ sẽ không thay đổi. Thứ trưởng chỉ đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội xây dựng phương án di chuyển, báo cáo Viện trưởng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sau đó lấy ý kiến Bộ VHTT&DL chậm nhất ngày 25-11.
Minh Quang