Báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học nút giao thông đê Bưởi

Sáng ngày 26/12/2015, tại công trường khai quật nút giao thông đê Bưởi, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức họp báo cáo kết quả sơ bộ khai quật. Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội và Quyết định 4716/QĐ-BVHTTDL ngày 30/11/2012 được gia hạn tại Quyết định 4055/QĐ-BVHTTDL ngày 23/11/2015 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong tháng 12/2015, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 200m² tại khu vực nút giao thông Hoàng Quốc Việt – Đê Bưởi thuộc địa bàn phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Trong phạm vi khai quật, các nhà nghiên cứu đã làm xuất lộ đoạn tường thành/đê/đường đi thời Lý với kết cấu đất sét màu vàng có sạn sỏi Laterit màu đỏ đầm chặt theo từng lớp; dấu vết lớp sỏi, sành đầm chặt có vai trò là lớp móng chịu lực cho khối đất sét vàng bó hai bên phần lõi bên dưới của thành/đê/đường.

Đặc biệt phát hiện 01 dấu vết lò nung ngay sát chân sườn đê/thành Đại La. Vòm lò đã bị sập từ trước, tường thân lò còn lại cao 63-93cm, các tường thân lò phía Bắc, Nam và Tây còn lại dấu vết. Ống khói trong tình trạng bị bịt kín và chỉ còn lại phần dưới. Bầu đốt còn tương đối nguyên vẹn. Cửa lò bị sập và mất hẳn tường phía Nam. Mặt bằng lò hình vợt, gồm các bộ phận thân lò, bầu đốt, rãnh thoát khói và ống khói, rãnh dẫn lửa, hố ngồi để đun gốm.

DeBuoi(Anh1)

(Dấu tích lò nung tại hố khai quật)

Lò có kết cấu làm từ đất sét trộn lẫn sỏi sạn đầu ruồi theo lối trình tường. Tường lò cong hình cánh cung. Lò quay hướng Đông-Tây, cửa lò hướng chân đê/thành, cửa xây vòm cuốn. Nền lò tương đối bằng phẳng. Kích thước dài Đông-Tây 6,24m; rộng nhất 2,80m. Trong lòng lò phát hiện ngói âm dương, đầu ngói ống trang trí hoa cúc, mặt hề, gạch bìa, gạch thỏi trang trí hoa dây hình sin, và một số mảnh bao nung. Theo các nhà nghiên cứu trực tiếp khai quật đây là lò nung vật liệu kiến trúc phục vụ việc xây dựng thành Thăng Long, niên đại thời Lê sơ.

Kết quả khai quật nút giao thông Hoàng Quốc Việt – Đê Bưởi tiếp tục khẳng định những ghi chép trong sử cũ và ý kiến của các nhà nghiên cứu xưa nay về Đại La thành thời Lý-Trần và Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ ở khu vực này.

Lớp móng gạch đầm bó chân thành/đê/đường thời Lê sơ ở khu vực khai quật này cho thấy kết cấu khá đồng nhất mặt ngoài tường thành Đại La từ Cầu Giấy qua Đội Cấn, Hoàng Quốc Việt đến Văn Cao, đồng thời cũng ghi nhận tùy theo vị trí và kết cấu của thành thời Lý-Trần mà thời Lê sơ có sự gia cố xây dựng cho phù hợp.

Kết quả khai quật lần này đã có thêm nhiều tư liệu quý xác minh bằng những chứng cứ cụ thể những ghi chép trong chính sử Việt Nam rằng thành Thăng Long được đắp từ thời Lý và được các thời Trần, Lê sơ tiếp tục sử dụng, tu sửa, mở rộng ở các giai đoạn sau.

Một số hình ảnh về di tích, di vật tại hố khai quật:

DeBuoi(Anh2)

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button