Lễ hội Cổ Loa xuân Bính Thân 2016
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức trong 02 ngày 12,13/02/2016 (tức ngày 5, 6 tháng Giêng). Lễ hội diễn ra nhằm tưởng niệm và tôn vinh một nhân vật có thật trong lịch sử, đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây dựng thành Cổ Loa, tòa thành có quy mô lớn nhất thời Đông Nam Á cổ đại. Người dân Cổ Loa, từ xưa đã có câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng 6 tháng Giêng”.
(Toàn cảnh khu đền thờ An Dương Vương)
Lễ hội Cổ Loa có sự tham gia của Bát xã (8 thôn, xã), bao gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát (2 làng này nay thuộc xã Xuân Canh), Mạch Tràng, Đài Bi (nay thuộc xã Uy Nỗ), Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu (nay là một xóm thuộc cụm Thượng – Cưu – Bãi, Cổ Loa). Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy – một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.
Mục đích của lễ hội nhằm giáo dục truyền thống mang ý nghĩa sâu rộng trong nhân dân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời duy trì, bảo tồn và phát huy hoạt động văn hóa truyền thống, giá trị di sản vật thể và phi vật thể khu di tích Cổ Loa – di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội được tổ chức với phương châm “An toàn – vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”.
Công tác chuẩn bị cho lễ hội thường bắt đầu từ tháng 10. Chủ trì lễ hội là bốn cụ ông cao niên nhất làng Cổ Loa (được gọi là bốn cụ Thượng, chọn trong bốn giáp). Đối với nghi thức lễ rước, mỗi xã tham gia lễ hội chuẩn bị 2 kiệu: Kiệu bát cống (rước vua) và Kiệu Minh đính (rước bài vị Cao Lỗ). Riêng Cổ Loa có thêm kiệu Thất phượng rước Bà chúa Mỵ Châu.
Đối với việc chuẩn bị chung của làng xã, trước đó đã tuyển chọn ra khoảng 120 nam thanh niên để khiêng kiệu (gọi là các quân chầu) hay làm thành 36 đôi rước đi hầu quân cờ, ngoài ra còn tuyển chọn thêm một số nữ để cầm cờ trong đám rước.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, bốn giáp phải làm bốn cỗ bỏng, gọi là cỗ chay, trong đó không thể thiếu hai món bỏng nén và bánh dày. Ngoài bỏng Chủ, người dân Cổ Loa còn làm xôi đóng thành oản, rước vào dâng Vua.
Ban tổ chức lễ hội được thành lập gồm đại diện ban ngành đoàn thể huyện Đông Anh, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa, đại diện UBND, HĐND, UBMTTQ và các ban ngành đoàn thể xã Cổ Loa. Ngoài ra tham gia tổ chức lễ hội có các tiểu ban: Tiểu ban tế, lễ bảo vệ cổ vật, quản lý công đức; Tiểu ban thông tin tuyên truyền, trang trí khánh tiết, hoạt động VHVN-TDTT, lễ tân, tiếp khách; Tiểu ban bảo vệ an ninh an toàn, sắp xếp hàng quán, trò chơi, giao thông, quản lý thị trường, trông giữ xe, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Như thông lệ, chương trình lễ hội Cổ Loa 2016 gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức theo truyền thống cổ truyền gồm có lễ dâng hương và lễ rước của Bát xã loa thành (8 thôn, xã).
Trò chơi trong lễ hội phong phú, đa dạng bao gồm: múa rối, chọi gà, nấu ăn, giã bỏng, làm bỏng, cờ người, đấu vật, ném còn, đánh đu, leo dây, bắn bia, bắn nỏ, bắn súng, tổ tôm điếm… Ngoài những trò chơi truyền thống, lễ hội ngày nay có thêm nhiều trò mới như đá bóng, cầu lông, bóng chuyền…
Đến với lễ hội chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng những hình bóng truyền thuyết xưa mà còn đến với giá trị văn hóa mang vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn. Với mỗi người dân Cổ Loa, lễ hội như một cái tết để mọi người thư giãn, lấy lại tinh thần trước khi bước vào một chu kỳ làm việc mới. Lễ hội chỉ là một khoảnh khắc của năm, nhưng bước vào lễ hội người dân cảm thấy rạng rỡ, tự hào hơn bởi mình là công dân của Cổ Loa. Người dân khắp nơi đến với lễ hội còn để giải tỏa nhu cầu tâm linh, cầu xin thánh thần, vua An Dương Vương ban cho sức khỏe, tài lộc… đồng thời giải tỏa lo âu, mệt mỏi, họ bày tỏ những ước mơ về gia đình, làng xóm được bình an, nhân khang, vật thịnh.
Lưu Quốc Khánh