Lễ dâng hương tưởng niệm Húy nhật (ngày giỗ) Đức vua An Dương Vương
Ngày 3/4/2017 (7/3 năm Đinh Dậu) tại đền Thượng, Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, Đảng ủy, UBND xã Cổ Loa và bát xã loa thành tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm “Húy nhật” (ngày giỗ) Đức vua An Dương Vương.
Dâng lễ Ban thờ đức vua An Dương Vương
Tham dự lễ dâng hương có các đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành trung ương và thành phố Hà Nội, Huyện ủy – UBND huyện Đông Anh, Đảng ủy- UBND xã Cổ Loa và đông đảo nhân dân địa phương.
Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương là dịp tri ân bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ và cộng đồng dân cư địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội nâng cao tinh thần dân tộc, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Cổ Loa là khu di tích lịch sử văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Cổ Loa còn bảo tồn, gìn giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ đầu dựng nước, mảnh đất Cổ Loa được ghi dấu đậm nét bởi trang sử hào hùng gắn liền với nhân vật lịch sử – Thục Phán An Dương Vương.
Vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu và Lạc Việt tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần – một đế chế rộng lớn và hùng mạnh mới được thống nhất ở phía Bắc. Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán hợp nhất hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, thành lập nước Âu Lạc, xưng Vương, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng – một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, với một tầm nhìn chiến lược, ý chí, quyết tâm dựng nước và giữ nước mạnh mẽ, An Dương Vương đã quyết định dời vị trí trung tâm của đất nước từ vùng đất cũ của Hùng Vương xuống vùng đồng bằng trù phú, rộng lớn, đông dân và thuận lợi hơn về giao thông thủy bộ để lập Kinh đô, xây thành chống giặc ngoại xâm. Đó là vùng đất Cổ Loa ngày nay.
Nhà nước Âu Lạc tuy mới thành lập, đang trong thời kỳ củng cố, xây dựng, ổn định và phát triển nhưng phải đương đầu với nguy cơ xâm lược của Triệu Đà. Song với nỗ lực phi thường, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo. Vua An Dương Vương – người tổng chỉ huy đã tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: “thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm”. Nhờ có sự đoàn kết quân dân và vũ khí “Nỏ thần” huyền thoại cùng tòa thành độc đáo, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược và để lại cho lịch sử đời sau những bài học kinh nghiệm to lớn và sâu sắc về công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Cổ Loa thời An Dương Vương là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc, một trung tâm lớn nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của thời kỳ dựng nước. Sau thời kỳ An Dương Vương, Âu Lạc thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà, rồi Nam Hán của phương Bắc. Từ đó bắt đầu một thời kỳ 10 thế kỷ liên tiếp chống xâm lược của nhân dân ta để giành độc lập, tự chủ. Chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ vẫn chọn Cổ Loa làm thủ phủ, tòa thành cũ của Thục Vương cũng được gia cố. Nhưng chính Thành Cổ Loa đã từng là điểm tựa tinh thần và vật chất cho dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Năm 938, sau khi chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, “đóng đô ở Cổ Loa, đặt bá quan văn võ, chế định triều nghi, phẩm phục” thể hiện nền tự chủ của đất nước, khôi phục quốc thống. Cổ Loa một lần nữa trở lại chức năng là kinh thành.
Các đại biểu dâng hương tại đền thờ đức vua An Dương Vương.
Khu di tích Cổ Loa với những giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1962. Ngày 27/9/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích quốc gia đặc biệt. Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, ngày 3/7/2015 tại Quyết định 1004/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích Thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội.
Khu di tích Cổ Loa là tài sản quý báu trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng lịch sử phản ánh sâu sắc quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của biết bao thế hệ. Hiện nay, trong xu thế hội nhập của đất nước, việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu Khu di tích, gắn với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của các cấp ngành, chính quyền và nhân dân địa phương.
Nguyễn Thị Thủy
Ban quản lý khu di tích Cổ Loa