Kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban Di sản Thế giới
Kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra từ ngày 2/7/2017- 12/7/2017 tại Krakow, Ba Lan. Sự phát triển bền vững vẫn là chủ đề trọng tâm của kỳ họp lần này.
Lễ khai mạc kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban Di sản Thế giới được tổ chức trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Wawel tại Krakow, Ba Lan với sự hiện diện của Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda; Tổng giám đốc UNESCO, Irina Bokova; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Di sản Quốc gia Gliński; Chủ tịch Ban chấp hành UNESCO, Michael Worbs; thị trưởng thành phố Krakow, Jacek Majchrowski; Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới, Jacek Purchla và gần 1000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia thành viên của Công ước Di sản thế giới… Tại lễ khai mạc, Tổng thống Ba Lan hoan nghênh việc Krakow được Ban tổ chức lần đầu tiên chọn làm địa điểm diễn ra hội nghị và nhấn mạnh về vai trò của UNESCO trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố Krakow. Krakow được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới năm 1978. Tiếp đó, vào năm 1980, Trung tâm Lịch sử Warsaw (Ba Lan) được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Ủy ban Di sảnThế giới bao gồm 21 quốc gia là thành viên của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (còn gọi là Công ước Di sản thế giới), do Đại hội đồng Công ước Di sản Thế giới bầu chọn. Ủy ban họp mỗi năm một lần và chịu trách nhiệm về việc thực hiện Công ước Di sản thế giới trên phạm vi toàn cầu; bố trí ngân sách Quỹ Di sản thế giới; kiểm tra hiện trạng giữ gìn, bảo tồn các Di sản thế giới đã được ghi danh và xem xét công nhận di sản đề cử của các Quốc gia thành viên trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tư vấn của UNESCO là Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS).
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp với tư cách là một trong 21 nước thành viên của Ủy ban Di sản thế giới gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các địa phương nơi có Di sản và các cơ quan quản lý di sản thế giới tại Việt Nam. Các quốc gia thành viên Ủy ban di sản thế giới gồm có: Angola, Azerbaijan, Burkina Faso, Croatia, Cuba, Phần Lan, Indonesia, Jamaica, Kazakhstan, Kuwait, Lebanon, Peru, Philippines, Poland, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tanzania, Zimbabwe và Việt Nam.
Trong phiên họp lần thứ 41 này, Ủy ban Di sản thế giới với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới, Jacek Purchla, sẽ xem xét hiện trạng bảo tồn của 99 di sản thế giới đã được công nhận và 55 di sản thế giới trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Cũng tại kì họp này Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét 33 hồ sơ đề cử để đưa vào danh mục Di sản thế giới bao gồm 6 di sản thiên nhiên, 26 di sản văn hóa và 01 di sản hỗn hợp.
Kim Yến (tổng hợp)