Căn hầm đặc biệt trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Cách đây 45 năm, cùng với cả nước, quân dân thủ đô Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Đế quốc Mỹ ra Miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973.

Trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long có một căn hầm đặc biệt, được biết đến như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc lịch sử quyết liệt, khẩn trương, tập trung cao độ của Bộ tổng tham mưu trong những ngày đánh trả máy bay Mỹ cuối năm 1972. Đó là Hầm chỉ huy tác chiến T1, được xây dựng năm 1964-1965.

ham-dac-biet-1

Hầm chỉ huy tác chiến T1.

Đến thăm khu di sản những ngày này, chúng ta thấy có nhiều cựu chiến binh, cựu quân nhân, các em học sinh nhỏ tuổi. Những người lớn tuổi đến đây để tìm lại ký ức của một thời đạn bom gian khổ, thấy cuộc sống của mình, hình ảnh của mình thân thuộc trong từng góc phố, căn nhà của Thủ đô những ngày mưa bom bão đạn. Các em nhỏ chưa biết đến chiến tranh thì được tận mắt nhìn thấy quả bom Mỹ, hầm trú ẩn, mũ rơm…để rồi hiểu hơn những bài học lịch sử cô giảng trên lớp. Cảm xúc thật lắng đọng qua các tài liệu hiện vật chân thực của cuộc chiến đấu anh dũng, với biết bao tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

ham-dac-biet-2

Các em học sinh tham quan Triển lãm “ Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm chỉ huy tác chiến T1”.

Trở lại căn hầm T1 hôm nay còn có các cán bộ tác chiến, các kỹ sư tham gia thiết kế căn hầm, các chiến sỹ thông tin liên lạc, tiêu đồ viên, những người  đã từng công tác, làm việc tại sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, từng gắn bó trực tiếp với căn hầm với những ký ức không bao giờ quên.

Bác Đặng Phan Thái là một trong những kiến trúc sư thiết kế Hầm T1 kể lại: “Công trình Hầm T1 giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, là bộ não của cơ quan quân sự tối cao của Đảng, của nhà nước để chỉ huy toàn quân. Việc thiết kế, thi công xây dựng căn hầm được đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối. Căn hầm kiên cố có khả năng phòng chống nguyên tử, hóa học, chống bom đạn thông thường; có cửa nặng, cửa vòng sóng, cửa nhẹ, cửa tự động thoát hơi, hệ thống thoát hơi lọc độc, hệ thống ánh sáng, trang bị đầy đủ các thiết bị để đảm bảo công tác chỉ huy”

Còn với bác Nguyễn Đức Khách, tiêu đồ viên tại Hầm T1 thì 12 ngày đêm năm ấy thực sự ác liệt, sở chỉ huy làm việc liên tục với không khí hết sức khẩn trương, căng thẳng, không rời mục tiêu: “ Làm việc dưới hầm, chúng tôi thấy các đơn vị, địa phương báo về những hy sinh, thiệt hại thì cứ chết lặng đi, nhưng mà không thể rời cây bút, tập trung theo dõi và nắm bắt tín hiệu từ các Trung đoàn Radar phát về. Tất cả những đau xót về thiệt hại của quân ta và niềm vui khi quân ta bắn rơi máy bay Mỹ đều được chúng tôi chôn chặt trong gan ruột, tập trung vào nhiệm vụ phục vụ chỉ huy, chiến đấu”

Cô Đào Thị Thu, Tiêu đồ viên tại Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến trong 12 ngày đêm năm 1972 cũng nhớ  rất rõ những ngày đó: “ Vào thời kỳ ác liệt đánh B-52 thì chúng tôi phải căng tai ra mà nghe, bên cạnh đấy, máy bay B-52 còn thả rất nhiều các loại nhiễu, nên rất khó nghe và phát hiện. Khi phát hiện ra máy bay B-52, tiêu đồ vội vàng gõ vào tấm bản đồ mica trước mặt, báo hiệu cho trực ban là xuất hiện máy bay địch, trực ban lại báo lên cho các thủ trưởng của Cục của Bộ về tình hình. Lúc đó, không khí trong phòng làm việc rất căng thẳng, ai vào nhiệm vụ ấy”

Đối với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trực ban phó, phụ trách phòng không tại Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến thì đêm đầu tiên phát hiện và bắn máy rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã để lại dấu ấn đặc biệt: “Vào khoảng 19h00, ngày 18/12/1972, khi phát hiện ra máy bay địch, bao gồm cả B-52, Đồng chí Trần Độ trực ban trưởng báo cáo với lãnh đạo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội là tình hình địch sắp đánh Hà Nội bằng cả máy bay B52. Còn tôi khẩn trương chạy lại trên tường ấn cái còi báo động phòng không thì còi điện nằm trên Hội trường Ba Đình rú vang lên báo cho nhân dân biết.  Khi tôi kéo còi xong, thì một loạt điện thoại ở trong hầm Sở chỉ huy réo lên. Tôi nhấc máy lên thì ai cũng hỏi là thực hay là tập. Tôi chỉ trả lời “mời đồng chí xuống hầm” và bỏ điện thoại xuống để tiếp tục tiếp điện những người khác, không kịp giải thích. Đến 20h13’, Tiểu đoàn 59 đã bắn rơi tại chỗ máy bay B52 xuống cánh đồng Chuôm (Phủ Lỗ)”.

 ham-dac-biet-3

Các bạn nhỏ trải nghiệm cuộc sống thời chiến với những chiếc hầm trú bom.

Thông qua những câu chuyện chân thực, xúc động của các nhân chứng lịch sử đã giúp cho khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rõ hơn về sự ác liệt của cuộc chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của quân dân cả nước, sự kiên cường của thủ đô Hà Nội và càng trân trọng, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội  

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button