Lễ dâng hương tưởng niệm “Húy Nhật” Đức vua An Dương Vương

Ngày 22/04/2017 (07/03/2017 Âm lịch) tại đền thờ An Dương Vương, Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, Đảng ủy, UBND xã Cổ Loa thành kính tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm “Húy nhật” (ngày giỗ) Đức vua An Dương Vương.

image001

Tham dự lễ dâng hương có đồng chíNguyễn Công Bằng – Trưởng Ban thi đua khen thưởng Thành phố, đồng chí Phùng Khải Lợi – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội, các nhà khoa học,đại diện Cục Di sản Văn hóa, các Sở, ban ngành,Cụm thi đua số XIIIthuộc Hội đồng Thi đuaKhen thưởng thành phố Hà Nội và một số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội cùng Bát xã Loa Thành và nhân dân địa phương.

Theo cổ lệ của địa phương (được ghi chép tại cuốn “Ngọc phả cổ lục” hiện còn lưu giữ tại đền Thượng) ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch là ngày “vua băng hà” còn gọi là Húy Nhật Đức Vua An Dương Dương – Vị vua có công dựng nước vào thế kỷ III trước Công Nguyên, đã nhận được nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến và được nhân dân tôn thờ tại đền Thượng, Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Các thư tịch cổ đã ghi chép về Đức Vua An Dương Vương, sơ lược như sau: Vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Thục Phán (tức vua An Dương Vương) vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu và Lạc Việt tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần – một đế chế rộng lớn và hùng mạnh mới được thống nhất ở phía Bắc. Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán được vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 nhường ngôi. Ông lên ngôi, xưng vương, hợp nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, đổi tên nước là Âu Lạc, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng – một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, với một tầm nhìn chiến lược, ý chí quyết tâm dựng nước và giữ nước mạnh mẽ, An Dương Vương đã quyết định dời trung tâm của đất nước từ vùng đất cũ của Hùng Vương xuống vùng đồng bằngtrù phú, rộng lớn, đông dân và thuận lợi hơn về giao thông để lập Kinh đô, xây thành chống giặc ngoại xâm. Đó là vùng đất Cổ Loa ngày nay.

Nhà nước Âu Lạc mới thành lập, đang trong thời kỳ củng cố, xây dựng, ổn định đã phải đương đầu với nguy cơ xâm lược của Triệu Đà. Song với nỗ lực phi thường, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo. Vua An Dương Vương – người tổng chỉ huy đã tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: “thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm”. Nhờ có sự đoàn kết quân dân và vũ khí“Nỏ thần”huyền thoại cùng tòa thành độc đáo, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược và để lại cho đời sau những bài học lịch sử, kinh nghiệm to lớn và sâu sắc về công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Cổ Loa thời An Dương Vương là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc,một trung tâm lớn nhất về chính trị, kinh tế,văn hóa và quân sự. Sau thời kỳ An Dương Vương, Âu Lạc thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà, rồi Nam Hán của phương Bắc. Từ đó bắt đầu một thời kỳ 10 thế kỷ liên tiếp chống xâm lược của nhân dân ta đểgiành độc lập, tự chủ. Chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ vẫn chọn Cổ Loa làm thủ phủ, tòa thành cũ của Thục Vươngcũng được gia cố.Nhưng chính Thành Cổ Loa đã từng là điểm tựa tinh thần và vật chất cho dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Năm 938, sau khi chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, “đóng đô ở Cổ Loa, đặt bá quan văn võ, chế định triều nghi, phẩm phục” thể hiện nền tự chủ của đất nước, khôi phục Quốc Thống. Cổ Loa một lần nữa trở lại chức năng là Kinh thành.

image002

Các đại biểu tham quan Nhà Trưng bày hiện vật Cổ Loa

Khu di tích Cổ Loa với những giá trị lịch sử, văn hóa và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1962. Ngày 27/9/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích quốc gia đặc biệt. Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa,ngày 03 tháng 7 năm 2015tại Quyết định 1004/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa,hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích Thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, tại di tích đền Thượng còn lưu giữ 32 đạo sắc phong cổ, quý và hiếm của các vua thời nhà Lê và nhà Nguyễn (từ thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX), sắc ban cho xã Cổ Loa về việc thờ phụng Đức Vua An Dương Vương. Nội dung của các đạo sắc phong xin được lược dẫn một phần như sau: “từ xưa đã tôn thờ một vị là Thục An Dương Vương, được các Triều gia phong tôn Mỹ tự để tưởng nhớ, vậy cho phép phụng thờ như xưa để tỏ lòng tôn kính”.

Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương được tổ chức hàng năm, nhằm tri ân bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ và cộng đồng dân cư địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội nâng cao tinh thần dân tộc, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Sau chương trình Lễ Dâng hương các đại biểu tham dự còn được tham quan Nhà trưng bày hiện vật và khu trưng bày “Không gian Việt” tại Khu di tích Cổ Loa.

  Nguyễn Thị Thủy

Ban quản lý di tích Cổ Loa

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button