Trần Hưng Đạo gác thù riêng, dốc lòng vì nước
Trần Hưng Đạo, còn có tên là Trần Quốc Tuấn, là con của An Sinh vương Trần Liễu. Trần Liễu là anh trai của Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, vốn có mối thù bị cướp vợ với Trần Thái Tông nên yêu cầu con trai phải giành được thiên hạ (ý nói tranh lấy ngôi vua). Tuy nhiên, vì việc nước, Trần Hưng Đạo đã không làm theo lời cha, gác thù riêng, dốc lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông đã có những tư tưởng chính trị, quân sự và xã hội rất uyên thâm, có giá trị lớn.
Trần Hưng Đạo
Trần Liễu và Trần Cảnh, hai anh em ruột, dưới bàn tay sắp đặt của Trần Thủ Độ, cùng cưới 2 chị em ruột, con của vua Lý Huệ Tông, là Thuận Thiên và Chiêu Hoàng. Trần Liễu là anh, lấy cô chị là Thuận Thiên. Trần Cảnh là em, lấy cô em là Chiêu Hoàng. Do Lý Huệ Tông không có con trai, nên Lý Chiêu Hoàng được chọn làm người nối ngôi báu. Đúng theo kịch bản đã được trù liệu trước, Trần Thủ Độ sắp xếp để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Sự chuyển giao quyền lực giữa 2 nhà Lý – Trần diễn ra như vậy.
Trần Cảnh lên làm vua, lấy hiệu là Trần Thái Tông, sách phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Lấy nhau 8 năm, Chiêu Thánh hoàng hậu, khi ấy mới 15 tuổi, đã sinh được hoàng tử Trần Trịnh. Tuy nhiên, Trần Trịnh không may yểu mệnh, chết sớm. Mãi 4 năm sau mà Chiêu Thánh chưa có thai lại. Trong khi đó, vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên đang mang thai. Vợ chồng Trần Thủ Độ bèn bàn với nhau ép Trần Thái Tông cưới Thuận Thiên công chúa, lúc ấy là chị dâu, làm vợ để “có chỗ dựa về sau”. Mối thù bị cướp vợ của Trần Liễu sinh ra từ đó.
Oán thù bị cướp vợ, Trần Liễu cùng bộ hạ tập hợp quân nổi loạn ở sông Cái. Vốn là người trọng tình, Trần Thái Tông chán nản bỏ lên chùa Yên Tử. Trần Thủ Độ khuyên nhủ mãi không được, bèn nói: “Vua ở đâu, triều đình ở đó”. Trụ trì chùa Yên Tử thất kinh, bèn năn nỉ Trần Thái Tông trở về với triều đình. Bất đắc dĩ, Thái Tông phải theo Thủ Độ về Kinh.
Cuộc nổi loạn của Trần Liễu nhanh chóng bị dập tắt. Nhân lúc Thái Tông đi thuyền trên sông Cái, Trần Liễu đóng giả làm người câu cá, chèo thuyền nhẹ tiếp cận, xin em trai không trách tội. Trần Thủ Độ đứng gần đó, tuốt gươm định chém chết Trần Liễu để trừ hậu họa. Nhưng Thái Tông nhanh nhẹn dùng thân mình làm lá chắn cho anh trai, nhờ vậy, Trần Liễu thoát chết.
Không những tha chết cho anh trai, Trần Thái Tông còn trao bổng lộc, phong vương cho Trần Liễu. Tuy vậy, Trần Liễu vẫn nuôi bụng thù oán, quyết tâm tìm thầy giỏi khắp nơi về dạy dỗ con trai là Trần Quốc Tuấn. Bởi vậy, tuy tuổi còn trẻ mà Trần Quốc Tuấn đã uyên thâm về nhiều mặt, văn võ song toàn. Trước khi chết, Trần Liễu còn trăng trối với Trần Quốc Tuấn: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Tuy vậy, cũng vì quá thông tường văn võ, Trần Quốc Tuấn càng ý thức được trách nhiệm của mình với vận nước, ý thức của một tôi trung. Bởi thế, ông đã lựa chọn cách không thực hiện theo lời trăng trối của cha để tránh gây nạn can qua cho dân lành, tập trung nâng cao nội lực đất nước trước sự dòm ngó của giặc phương Bắc.
Tư tưởng quân sự xuyên suốt của Trần Hưng Đạo là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức”. Chính vì tư tưởng chiến tranh nhân dân kiệt xuất ấy mà trong quân đội nhà Trần có những người rất tài giỏi xuất thân từ tầng lớp người hầu, như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Địa Lô…
Chiến lược quân sự được Trần Hưng Đạo đúc rút và được vận dụng rất thành công, ấy là “nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản minh, lấy đoản chế trường, đó là sự thường của binh pháp”.
Chiến lược, sách lược hợp lý, khoa học, lại đoàn kết được sức mạnh toàn dân, điều đó giúp Trần Hưng Đạo lãnh đạo thành công các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, khiến cho giặc hồn siêu, phách lạc.