Vị vua đề cao lòng nhân ái – Lý Thánh Tông

Vị vua thứ 3 của nhà Lý, Lý Thánh Tông, húy là Lý Nhật Tông, cũng được sử sách gọi là vua sáng bởi đức tính nhân từ, độ lượng. Sử sách còn ghi lại những câu chuyện tỏ rõ tính khoan hòa, nhân ái của Lý Thánh Tông.

Vua Lý Thánh Tông

Một lần, Lý Thánh Tông thân ngự ở điện Thiên Khánh để xử kiện, cho con gái yêu là công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh. Trông thấy phạm nhân là một chàng trai trẻ trạc tuổi con mình, nhà vua rất đỗi thương cảm. Xét hỏi ra thì thấy nguyên nhân phạm tội của chàng trai là do thiếu hiểu biết về luật pháp. Nhà vua bèn chỏ con gái yêu của mình mà nói với chúa ngục:

– Trẫm yêu con trẫm cũng như các bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ. Trăm họ không hay biết nên tự phạm vào luật pháp, ta rất thương xót. Từ nay, các tội bất kỳ nặng nhẹ đều cần răn dạy kỹ lưỡng và nhất nhất đều phải khoan giảm.

Dứt lời, nhà vua bèn xử tha bổng cho chàng trai trẻ.

Một lần khác, gặp khi trời rét buốt, nghĩ đến muôn dân còn nhiều khổ cực, nhất là những phạm nhân nằm trong ngục thất lạnh lẽo, nhà vua rất xót lòng. Buổi thiết triều hôm đó, vua nói với bá quan:

– Trẫm ở chốn thâm cung, thân sưởi lò than, mặc áo hồ cừu mà còn thấy lạnh thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục thất, xiềng xích khổ đau, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm, một khi gặp cơn gió lạnh thổi há chẳng bị chết rét ư? Trẫm rất đỗi thương xót.

Bao nhiêu chăn chiếu trong kho lập tức được nhà vua hạ lệnh ban cho tù nhân chống lạnh, lại phát cho họ mỗi ngày hai bữa cơm. Sau đó, vua hạ chiếu miễn một nửa thuế trong năm cho cả nước.

Với tấm lòng nhân từ, độ lượng, thương dân như con, Lý Thánh Tông được người dân hết lòng yêu mến, thiên hạ vì thế mà được hưởng nền thái bình lâu dài.

Sở dĩ nhà vua thấu hiểu nỗi khổ đau của con dân như thế là vì suốt thời còn là thái tử, Lý Nhật Tông được vua cha Lý Thái Tông cho sống ở cung Long Đức nằm ở ngoại thành để hòa mình với cuộc sống dân gian. Tính đến ngày lên ngôi, thái tử Nhật Tông đã sống gần dân được 27 năm. Ngần ấy thời gian đủ để ngài hiểu thấu nỗi vất vả, cực nhọc của con dân trăm họ. Vì vậy mà ngài hết sức cảm thông với cảnh khổ trong dân gian.

Sau này, khi đã ở ngôi báu, Lý Thánh Tông vẫn duy trì thói quen về phủ Thiên Đức để xem hội hè, lễ Phật, xem trồng lúa, gặt hái, đánh cá và nghỉ ngơi, tu dưỡng để được hòa mình với cuộc sống của người dân miền thôn dã.

Lý Thánh Tông không chỉ là vị vua hiền đức, mà còn là người có tài dụng nhân và dụng binh. Binh pháp dưới thời Lý Thánh Tông trị vì nổi danh đến mức nhà Tống cũng phải dụng tâm theo học cách tổ chức phiên chế quân đội của ngài.

Lý Thánh Tông cũng đặt nhiều dấu ấn trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nhà vua là người cho lập Văn Miếu, dựng tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 vị tiên hiền để thờ trong đó với mong muốn người dân sẽ được khai hóa, có hiểu biết mà tránh phạm tội lỗi, lại sản sinh được nhiều người hiền tài giúp nước, phò vua. Trong lĩnh vực Phật giáo, Lý Thánh Tông chính là người sáng lập phái Phật giáo Thảo Đường với đường lý phát triển ý thức dân tộc, muốn độc lập, tự cường, chống lại sự xâm lăng văn hóa và bờ cõi từ giặc Tống phương Bắc. Lý luận về đạo Phật của Lý Thánh Tông giúp người dân hiểu rõ triết lý dùng ý chí tự cường để thắng số mệnh. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa Phật giáo Đại Việt dưới thời vua Lý Thánh Tông trị vì.

Lý Thánh Tông tên húy là Lý Nhật Tông, là con trưởng của vua Lý Thái Tông. Lý Nhật Tông sinh ngày 25 tháng 2 năm 1023. Lên năm tuổi, Nhật Tông được vua cha Thánh Tông phong làm thái tử.

Năm 1054, Lý Thánh Tông băng hà, Lý Nhật Tông nối ngôi cha, đặt niên hiệu là Long Thụy Thái Bình (1054-1058).

Trải suốt thời gian trị vì, Lý Thánh Tông đổi niên hiệu 4 lần:

  • Lần 1: Đổi Long Thụy Thái Bình thành Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065).
  • Lần 2: Đổi thành Long Chương Thiên Tự (1066-1067)
  • Lần 3: Đổi thành Thiên Chúc Bảo Tượng (1068)
  • Lần 4: Đổi thành Thần Võ (1069-1072)

Lý Thánh Tông băng hà năm 1072, ở ngôi được 17 năm, thọ 50 tuổi.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button