Phát hiện giếng đá lớn thời Lê Trung hưng liên quan đến nơi sinh hoạt của nhà vua trong khu hậu điện thời Lê

Năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục thực hiện khuyến nghị của UNESCO và chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL, phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khu vực phía Đông di tích Hậu Lâu với tổng diện tích 980m2. Đây là vị trí quan trọng thuộc khu hậu điện của chính điện Kính Thiên thời Lê và hành cung Long Thiên thời Nguyễn.

Trong quá trình khai quật đã phát hiện nhiều di tích, di vật trong đó có dấu tích giếng đá thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII. Giếng xuất lộ ở độ sâu -1,3m so với mặt nền hiện đại, nằm ở gần vách Tây, cách di tích Hậu Lâu khoảng 10m chếch về phía Đông – Nam. Thành giếng được xếp nhiều lớp đá, độ sâu tính từ mặt bằng nền gạch thời Lê Trung Hưng 6,5m, đáy rộng 2,3m, càng lên trên càng thu nhỏ, tại vị trí miệng giếng kích thước đo được là 1,2m.

Toàn cảnh làm phát lộ giếng đá (Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết)

Kỹ thuật xây giếng: Thân giếng được đào rất rộng khoảng gần 3m, đáy lát các phiến đá bằng phẳng, lòng giếng hình tròn xếp nhiều lớp từ các khối đá xanh và cuội suối cỡ lớn rất cẩn thận từng lớp, từng lớp tạo ra bề mặt tương đối phẳng tính mỹ thuật cao, tổng số lượt là 28 – 32. Phía ngoài thành giếng xếp thêm 2 – 3 lớp đá lớn nhỏ bao xung quanh, các mỏm đá của thành giếng bắt liên kết với lớp đá phía ngoài tạo sự vững chắc cho thành giếng, có thể xem lớp đá bên ngoài giống như một lớp lọc đón các mạnh nước ngầm trước khi chảy vào giếng. Vật liệu chủ yếu là đá và cuội lớn với nhiều kích thước hình dáng khác nhau, chúng là các chân tảng đá hình vuông có niên đại thời Lý, Trần và Lê sơ hoặc các phiến đá hình chữ nhật đặc trưng xây móng bó nền kiến trúc. Đặc biệt là sự xuất hiện số lượng lớn các viên cuội suối có kích cỡ lớn vốn là thành phần quen thuộc trong các di tích có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII – XIV.

Toàn cảnh làm phát lộ giếng đá (Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết)

Nền sân bao quanh miệng giếng: Cách thành giếng đá 95cm là dấu tích nền lát gạch vồ xám (kích thước 32-37 x 11-12,5 x 11-12,5cm) bao quanh miệng giếng, chỉ còn 3 cạnh xếp theo hình đa giác, trong đó 1 cạnh đầy đủ cho biết kích thước chính xác là 1,55m. Từ số đo đó, có thể dựng lại cấu trúc bao quanh miệng giếng là một hình bát giác đều, mỗi cạnh dài 1,55cm.

Di vật trong lòng giếng: Trong lòng giếng không có nhiều di vật, chủ yếu là đất, gạch ngói vụn và một vài mảnh gốm, gần xuống đáy xuất hiện 1 lớp bùn xám lẫn cành lá cây khá dày. Tiến hành rửa đãi, phát hiện 2 mảnh kim loại màu vàng và 1 tiền đồng. Tiền mỏng dẹp, đường kính đồng tiền 24 mm, gờ viền mép hơi lớn và viền lỗ vuông rộng, chữ viết có 4 chữ hán “景 盛 通 寶” nghĩa “Cảnh Thịnh thông bảo”. Cảnh Thịnh là niên hiệu vua Nguyễn Quang Toản (1783 – 1802) con trai thứ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Ông lên ngôi tháng 8 năm 1792 khi mới 9 tuổi, năm sau đổi niên hiệu thành Cảnh Thịnh (1793 – 1801). Tháng 8 năm 1801 ông đổi niên hiệu thành Bảo Hưng. Sự xuất hiện tiền Cảnh Thịnh ở lớp đáy cho thấy giai đoạn này (1793 -1801) giếng chưa bị lấp.

Mảnh kim loại màu vàng trong lớp đáy

Tiền Cảnh Thịnh thông bảo (1793-1801)

Cổ giếng: Tại hố khai quật, phần cổ giếng (phần dương) đã bị phá hủy hoàn toàn không còn dấu tích. Tuy nhiên, cách vị trí giếng đá khoảng 128m chếch về phía Đông – Nam, năm 2017 các nhà khảo cổ học đã khai quật được một cụm di vật đá trong đó có phần cổ giếng chạm hoa sen rất đẹp, các di vật tuy bị vỡ nhưng cho chúng ta hình dung khá đầy đủ về cấu trúc bên trên của giếng đá.

Cổ giếng đá chạm hoa sen, thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII, phát hiện năm 2017
Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết

Cấu trúc cổ giếng chia làm 2 phần; phần dưới gọi là đế/bệ hình bát giác và trên là cổ giếng hình tròn. Đế cổ giếng hình bát giác mỗi cạnh dài 54cm, được tạo từ một tấm đá nguyên khối đường kính khoảng 1.4m, cao 29cm. Tạo hình đế rất tỉ mỉ chia thành 3 tầng, chân choãi dày 11cm tạo hoa văn theo kiểu chân quỳ dạ cá góc đa giác chạm nổi vân mây hình khánh, tầng 2 hơi thu vào vuông thành sắc cạnh ở mỗi mặt tạo cành hoa cúc cánh tròn, tầng tiếp theo hơi nhô ra thể hiện 3 motip nhỏ, chính giữa là cành hoa cúc cánh tròn 9 cánh nằm gọn trong khung chữ nhật, 2 bên là bông hoa cúc cánh tròn 7-8 cánh nằm đối nhau, trên cùng chạm nổi một bông hoa sen lớn 2 lớp cánh xen kẽ, các cánh chính đầu mũi sen xoắn lại tạo hình như một cụm mây hình đao lửa. Ở giữa khối đá, đục thủng hình tròn đường kính 76cm, có gờ khớp nối với cổ giếng. Cổ giếng tròn trịa, đường kính 68cm, cao 41cm miệng thắt tạo rãnh cổ, mép trong còn để lại nhiều rãnh mòn khi kéo nước, chân tạo hoa sen giống như ở đế cổ. Như vậy, nếu khớp phần cổ và phần đế chúng ta sẽ thấy tổng thể là một hình bông hoa sen nhiều lớp cánh, hoa sen ở đế là lớp cánh nở khai mãn, lớp cánh ở chân cổ giếng thì như đang ôm lấy phần nhụy của hoa sen. Đó là ý tưởng chủ đạo thể hiện sự tinh tế trong tạo hình và mỹ thuật đỉnh cao của chạm khắc giếng đá thời Lê Trung hưng phát hiện ở khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Do sự bắt khớp tương đối giữa kích thước, kiểu dáng của dấu tích giếng đá và phần miệng giếng và cổ giếng, các nhà khảo cổ học đoán định đây là hai bộ phận của di tích giếng đá thời Lê Trung hung, giếng đá sâu nhất được phát hiện từ trước đến nay thuộc Hoàng Thành Thăng Long.

Bản vẽ tổng thể cấu trúc và các họa tiết trang trí (Người vẽ Nguyễn Đăng Cường)

Giá trị dấu tích giếng đá: Giếng là một loại hình di tích rất đặc biệt tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, từ năm 2002 đã phát hiện nhiều loại giếng khác nhau, có giếng xây gạch, giếng xếp đá thuộc nhiều thời kỳ từ Đại La, thời Lý – Trần, thời Lê, thời Nguyễn nhưng đây là giếng nước có độ sâu nhất (6,5m), tìm thấy cả phần thân giếng (âm), cổ và miệng giếng (dương). Điều đặc biệt quan trọng là giếng nằm trong khu hậu điện phía sau chính điện Kính Thiên, đây là nơi các hoàng đế nhà Lê sơ (thế kỷ XV – XVI) và Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII) làm việc, thiết đại lễ thường triều và các nghi lễ quan trọng khác. Chính vì thế, phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các không gian của khu vực chính điện Kính Thiên.

So sánh với các giếng đá có hình dáng và niên đại tương đồng như giếng đá chùa Báo Thiên (Hà Nội), giếng đá lăng Nguyễn Văn Nghị (Thanh Hóa)…thì giếng đá phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long có sự tinh mỹ trau truốt hơn về đường nét, họa tiết trang trí và cấu trúc tổng thể. Các họa tiết như vân khánh, hoa cúc, hoa sen, cụm mây đao lửa đều là đặc trưng của hoa văn cung đình. Ý nghĩa lớn trong tạo hình cổ giếng là bông hoa sen thực sự rất tinh tế và có giá trị nhân văn cao như một thông điệp “nước lấy từ giếng như dòng nước tinh khiết đọng trên những bông hoa sen”.

Giếng đá chùa Báo Thiên (Hà Nội) (nguồn: internet)

Giếng lăng tướng công Nguyễn Văn Nghị (Đông Sơn, Thanh Hóa), xây năm 1617 (nguồn: internet).

Căn cứ và địa tầng, vật liệu xây dựng, hoa văn trang trí, kỹ thuật xây dựng và di vật tiền đồng “Cảnh Thịnh thông bảo” năm 1793 – 1801, niên đại của giếng có thể xác định tương đối chính xác, nó được xây dựng vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII) và lấp vào khoảng năm 1805 -1809. khi nhà Nguyễn tiến hành xây dựng thành Hà Nội và hành cung Long Thiên.

Trong quá trình khai quật và phát lộ hoàn chỉnh, điều khiến các nhà khai quật rất ngạc nhiên là giếng luôn chứa đầy nước, chất lượng nước tốt, trong, không mùi. Cấu trúc được bảo tồn khá tốt. Giếng rất nên được nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy, tạo cảnh quan hòa nhập vào hệ thống di tích dự đoán sẽ được phát hiện ở khu vực này trong tương lai.

Đoàn khai quật, Viện Khảo cổ học
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button