Hội nghị thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 54
Trong hai ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2019, Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 54 tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 54 năm qua.
Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học cả nước, là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Khảo cổ học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Cứ mỗi độ thu sang, giới nghiên cứu khảo cổ học và các ngành khoa học có liên quan luôn hướng tới sự kiện này để gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới trong năm, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Tới dự khai mạc Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học: TS. Đặng Xuân Thanh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); ThS. Trần Đình Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), GS.TS Nguyễn Qang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), GS.TS Andrew Hardy (Giám đốc Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội), TS. Nguyễn Văn Đoàn (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), TS Nguyễn Gia Đối (Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học), cùng đông đảo các nhà khoa học trong các lĩnh vực Khảo cổ học, nhân chủng học, địa chất học, bảo tàng học, di sản…
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Đặng Xuân Thanh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định Hội nghị là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của mình. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện Khảo cổ học trong việc đưa Hội nghị Khảo cổ học hàng năm về các địa phương, như là một hoạt động quảng bá cho ngành khảo cổ học Việt Nam vừa là cơ hội để mọi người đến được nhiều hơn với khảo cổ học Việt Nam.
Đánh giá về Hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2019, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những tư liệu từ các nhà khoa học là minh chứng khẳng định và bảo về vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, năm nay hội nghị đã nhận được trên 360 bài viết về các nội dung: Khảo cổ học tiền sử (95 bài), Khảo cổ học lịch sử (206 bài), Khảo cổ học Champa – Óc Eo (43 bài), Khảo cổ học dưới nước (11 bài) và 5 bài về các hoạt động chung của ngành. Đây là những phát hiện mới di tích, di vật và những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề xuyên suốt từ thời Tiền sử đến Lịch sử. Tại phiên khai mạc, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về khảo cổ học như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Khoa Lịch sử – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn…. đã báo cáo kết quả nghiên cứu khai quật Khảo cổ học trong năm qua của đơn vị. Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp tục thảo luận chuyên sâu tại các tiểu ban.
Tại Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội báo cáo kết quả khai quật Khảo cổ học tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Thực hiện khuyến nghị của UNESCO và chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, công tác khai quật khảo cổ học được tiến hành thường niên. Năm 2018 đã khai quật gần 100m² tại khu vực phía Đông Bắc di tích nền Điện Kính Thiên. Kết quả đã xuất lộ kiến trúc ao/hồ có hình dạng khá phức tạp và dấu tích móng kè đá/móng kè gia cố/móng tường có niên đại thời Lê Trung hưng. Những phát hiện thú vị về di tích và di vật tại cuộc khai quật đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu, các chuyê gia về Khảo cổ học Lịch sử.
Hội nghị thông báo Khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các Bảo tàng, các khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.
Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Gia Đối nhấn mạnh “Khảo cổ học bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học, văn hóa còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá các giá trị di sản văn hóa. Trong một năm vừa qua, nghành Khảo cổ học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa và một số địa phương tiến hành công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học và di sản văn hóa, đã có đóng góp tích cực vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bùi Thị Thu Phương
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội