Khai mạc Triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời”
Triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời”đã diễn ra sáng nay 23/11/2019 tại Hoàng thành Thăng Long. Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước) tổ chức.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Triển lãm giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh tiêu biểu về Thành Hà Nội giai đoạn từ 1802 đến 1945. Đặc biệt tại triển lãm này, lần đầu tiên các tài liệu Châu bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới của UNESCO được trưng bày trong không gian của Di sản văn hóa – Hoàng thành Thăng Long.
Ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết “Triển lãm khai thác sự đa dạng, phong phú của nguồn tài liệu Châu bản triều Nguyễn kết hợp với tài liệu tiếng Pháp gồm hình ảnh, bản đồ, bản vẽ về thành Thăng Long – Hà Nội, nhằm phản ánh một cách sinh động, chân thực về quá trình xây dựng, thay đổi cấu trúc không gian thành Thăng Long – Hà Nội dưới thời Nguyễn và sự tác động của người Pháp (1802 – 1945); Khẳng định hơn nữa về giá trị của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị”.
Phiên bản ấn Sắc mệnh chi bảo
Hoàng thành Thăng Long hay Thành Hà Nội là tên gọi quần thể di tích gắn với lịch sử kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Kinh đô Thăng Long do nhà Lý định đô, khai mở và các triều đại tiếp nối, mở mang bồi đắp, phát triển qua 8 thế kỷ.
Đến triều Nguyễn, mặc dù kinh đô được dời về Phú Xuân (Huế) nhưng thành Thăng Long vẫn giữ vai trò quan trọng như một trung tâm chính trị tại Bắc kỳ. Dưới thời vua Gia Long, thành Thăng Long được xây dựng lại theo kiểu Vauban, là trị sở của Bắc thành và trở thành Hành cung của các vua Nguyễn mỗi khi tuần du Bắc Hà và tiếp kiến sứ thần phương Bắc.
Thành Hà Nội cũng là nơi ghi dấu sự phản kháng của quan quân giữ thành trong hai lần Pháp đánh ra Hà Nội năm 1873 và 1882, chứng kiến sự hy sinh tuẫn tiết của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Từ năm 1894 –1897, Thành Hà Nội trải qua biến động lớn, gần như bị phá hủy hoàn toàn để quy hoạch các khu phố mới.
Thành quách, cung điện nguy nga chỉ còn lại những dấu tích và một số công trình như: Cột Cờ, Đoan Môn, Bắc Môn, Thềm điện Kính Thiên… vừa là minh chứng cho thời kỳ vàng son trong quá khứ nhưng cũng là những biểu tượng đẹp của Hà Nội ngày hôm nay.
Tham quan triển lãm
Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước nhấn mạnh: “Triển lãm là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, lâu dài giữa Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội; đồng thời cũng là cơ hội để hai cơ quan chia sẻ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cũng như các Di sản văn hóa, Di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận”.
Kim Yến