Mâm cỗ Trung thu, mâm cỗ của tình thương yêu, sum vầy
Trái hồng phô má đỏ hây
Bưởi đào ướp nắng treo ngay trước nhà
Long lanh sao sáng ngân hà
Xuống chơi cùng bé trong nhà ngoài sân
Đọc những câu thơ trên trong bài Vui Trung thu cùng bé của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký chắc hẳn mỗi chúng ta đều nghĩ tới khung cảnh đêm rằm Trung thu đầy náo nhiệt. Trái bưởi vàng rám nắng trong vườn nhà nay đã hóa thành chú chó bưởi ngộ nghĩnh, xung quanh là những trái hồng đỏ tươi, chín mọng. Nải chuối tiêu lốm đốm trứng cuốc cùng với cốm Vòng nõn nà màu ngọc đựng trong lá sen tươi. Một mùi hương dịu ngọt lan tỏa trong không gian rộn ràng tiếng cười nói của trẻ thơ. Đó là hương vị của mâm cỗ Trung thu truyền thống thắm đượm tình đoàn viên.
Tết Trung thu là ngày Rằm tháng Tám hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi) còn gọi là tết Trông trăng. Ngày rằm tháng Tám, mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm nên có rất nhiều hoạt động trong dịp này. Đây là thời điểm người nông dân vừa kết thúc mùa gặt, ăn mừng mùa màng bội thu nên tổ chức lễ tế thu cúng trăng cảm tạ trời đất đã cho mưa thuận gió hòa. Tết Trung thu diễn ra trong sự hạnh phúc, viên mãn của người lớn, cái vui tươi, phấn khích của trẻ nhỏ với lễ hội phá cỗ, đêm hội trăng rằm, bánh trung thu và các đồ chơi truyền thống.
Trong ngày vui này, tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên cầu mong mọi điều may mắn, bình an đến với gia đình mình. Phan Kế Bính từng ghi được ghi lại trong Việt Nam phong tục như sau: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Con gái hàng phố thi nhau bày khéo, gọt đu đủ thành thứ hoa nọ, hoa kia, nặn bột thành con tôm con cá cũng đẹp”.
Cuốn Nếp cũ của Toan Ánh là một sưu tập, biên khảo công phu, khoa học có nhắc đến mâm cỗ Trung thu trong đêm Rằm tháng Tám: “Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em, và trong mâm cỗ xưa kia thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, chung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ vào lúc đã khuya, nghĩa là cùng nhau ăn mâm cỗ này, ngắm trăng, ca múa”.
Nhà văn Vũ Bằng sau khi chuyển vào Sài Gòn sinh sống nhưng không bao giờ quên được những mùa tết Trung thu của Miền Bắc, đặc biệt là trung thu ở Hà Nội. Ông mô tả về mâm cỗ Trung thu trong Thương nhớ mười hai: Mâm cỗ trung thu được bày trên án thư xếp thành 3 hàng lần lượt gồm có lư trầm, hai bên 2 con thỏ mẹ làm bằng 2 quả trứng hoặc 2 quả dừa phết bông gòn đính tai đính mắt; ông Lã Vọng câu cá, hai bên là con chó tết bằng tép quả bưởi; hàng cuối là 4 bát chiết yêu gạo nếp trắng bao lấy bốn chữ cũng bằng gạo nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng năm trung thu, ở đây là “Trung thu Nguyệt bính”, hai bên hai bát hạt dẻ. Phía trước án thư kê một cái kỷ, đặt ở giữa là một cái bánh dẻo to nhất, trên bánh dẻo đặt một con thạch sùng bằng bột; còn các con giống khác như kỳ lân, con phượng, trái đào, quả chuối, cành hoa… muốn đặt đâu cũng được.
Tựu chung lại, mâm cỗ trung thu Hà Nội truyền thống có cầu kỳ hơn mâm cỗ bây giờ. Đầu mâm cỗ là hình tượng ông Lã vọng câu cá được uốn bằng con gà mái và sau này làm bằng đồ hàng mã. Trò chơi này bắt nguồn từ sự tích ông Lã Vọng ngồi câu cá hay còn được gọi là điển tích “Câu cá chờ thời” của Khương Thái Công bên Trung Hoa. Khương Thái Công hay còn gọi là Khương Tử Nha (tên thật là Khương Thượng), quê ở Đông Hải, sống vào thế kỷ 12 TCN. Từ đời vua Thuấn đến đờinhà Hạ, tổ tiên của ông ở được phong hầu ở đất Lã nên lấy họ là Lã. Sau đến nhà Thương phong hầu lại cho các tướng lĩnh, đại thần khai quốc nên tổ tiên của ông trở thành thường dân và lấy họ là Khương. Nên dân gian cũng có tên gọi ông là Lã Vọng. Khương Tử Nha có một thời gian làm quan ở Triều Ca nhưng chán ngán cảnh thời vận triều đình ngày càng suy vi nên bỏ lên núi Côn Lôn học đạo. Khi tuổi đã già ông đến đất Tây Kỳ (Tây Chu sau này) sống ẩn dật nơi thác sâu rừng thẳm, núi non cao ngất. Khương Tử Nha đoán được thời vận nhà Thương sắp tàn nên ngày ngày ra câu cá ở bờ sông Vị chờ thời cơ để lập nghiệp lớn. Hơn bao năm ngồi câu cá chờ thời, dân chúng trong vùng cho là ông là kẻ quái nhân khác người, có người lại nói ông là kỳ nhân dị sỹ có chí lớn hơn người. Cơ Xương nghe được tin đồn và sự giới thiệu của tôi thần nên có lòng ngưỡng mộ đã xa giá đến sông Vị được diện kiến thánh nhân. Đúng như lời đồn, Cơ Xương đến bờ sông Vị thì thấy ông lão tóc bạc phơ phong thái như thần tiên đang ngồi trên thạch bàn ung dung buông cần câu, lúc này Khương Tử Nha đã 80 tuổi. Về sau với tài an bang trị quốc bình thiên hạ, Khương Tử Nha đã lập nhiều công lao hiển hách trong công cuộc phạt Trụ, lập ra triều đại nhà Chu, và ông được phong hầu ở đất Tề, tức là Tề Thái Công sau này.
Nếu gia đình không muốn bày ông Lã Vọng thì mua ông tiến sĩ giấy, đặt ở vị trí trang trọng. Đó là những hình ảnh thân thuộc về một món đồ chơi dân gian mà người dân làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất để phục vụ trẻ em chơi dịp Tết Trung thu. Hình mẫu của ông tiến sĩ giấy nơi đây chính là bậc đại khoa Đỗ Kính Tu dưới triều Lý, hiện được người dân suy tôn làm thành hoàng làng. Ông Đỗ Kính Tu (hiện chưa rõ năm sinh) nguyên là người làng Hậu Ái sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học. Thuở nhỏ vốn thông minh, học ít hiểu nhiều nên 13 tuổi sớm đỗ tú tài, 18 tuổi đỗ kỳ thi võ, 23 tuổi đỗ đầu kỳ thi Tam giáo và được vua phong chức Hàn Lâm Viện Đại học sĩ kiêm Võ sư. Tuy quyền cao vọng trọng nhưng ông không lộng quyền mà luôn cương trực, hết lòng phò vua.Việc đặt ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ trung thu thể hiện ước muốn học hành thành tài của thế hệ cha ông đối với các em nhỏ.
Và một vật phẩm không thể thiếu được là bánh Trung thu. Bánh Trung thu bắt nguồn từ cội nguồn sâu sa và cũng là phong tục của trung thu là lễ thưởng trăng. Từ cảm hứng về vầng trăng tròn đầy, người xưa gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình trong biểu tượng chiếc bánh tròn trịa được gọi là bánh Nguyệt Bính, Nguyệt đoàn hay bánh Vầng trăng, bánh đoàn viên. Hình ảnh tròn (viên) của trăng với cảnh quây quần, đoàn viên của con người. Có gia đình còn sắm sửa bánh nướng hình đàn lợn tượng trưng cho sự no đủ và sinh sôi nảy nở làm cho mâm cỗ trung thu càng trở nên đẹp mắt.
Mâm cỗ Trung thu bắt buộc phải có mâm ngũ quả, mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau, dù thế nào cũng phải có nải chuối trứng cuốc chín vàng, trái hồng đỏ mang hy vọng, trái na mang ước nguyện sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu chứa ngọt ngào may mắn…”, và chú chó tết bằng tép bưởi xinh xắn.
Ngoài bánh Trung thu và mâm ngũ quả, người lớn cũng có 1-2 món mặn để vừa nhắm rượu vừa trông trăng. Đĩa giò ốc nhồi lá gừng là món nấu độc nhất của cỗ Trung thu. Ốc nhồi giã hoặc băm nhỏ, để cho ráo nước, trộn với giò sống đã được nêm sẵn. Có người còn trộn thêm vào đó ít nấm mộc nhĩ ngâm mềm, để khô, thái nhỏ cho thêm độ giòn. Viên giò ốc cho vừa đủ miếng, lót bằng lá gừng trước khi nhồi lại vào vỏ ốc rồi hấp. Ngoài ra, người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương Cự Đà pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Giò ốc và gỏi cá thường được thưởng thức với rượu Mai Quế Lộ hay rượu tăm Tây Hồ, gợi nên phong vị mùa thu đặc trưng.
Ngoài ra, mâm ngũ quả còn được trang trí bằng các loại đèn trung thu, con giống, hoa quả bằng bột. Ở khu trung tâm Hà Nội, con giống bột được làm bằng bột hoành tinh (sau này được thay bằng bột năng) pha nếp, có thể để được một thời gian dài. Con giống bột thành thị của Hà Nội có hai loại là con giống Đồng Xuân: là những con vật, đồ vật gần gũi với con người như: con trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (bộ lục súc); cua, cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả và con giống Phố Khách về các con vật thần thoại huyền bí, như: tứ linh, nghê hý châu, sư tử hý cầu, tam sư, cá hóa long, thiềm thừ… Những chiếc đèn lung linh cùng những con giống đầy màu sắc đã làm tăng thêm niềm vui, háo hức của con trẻ.
Mâm cỗ Trung thu sau khi được bầy biện xong thì cả gia đình quây quần vừa phá cỗ, vừa thưởng nguyệt. Trung thu xưa không có điện, mọi người thắp đèn bày cỗ ra trước sân nhà, lũ trẻ con thỏa sức chạy nhảy dưới ánh trăng. Rằm tháng Tám vì thế còn trở thành dịp nối kết mọi người lại với nhau, bên chén trà, bên miếng bánh trung thu ngọt ngào, bên những câu chuyện tình thân đầm ấm.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội