Hội thảo khoa học ”Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước”

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, sáng 1/10/2020, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước”.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

 Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Hội thảo nhằm khẳng định các nguồn tư liệu thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng vương ở Cổ Loa nói riêng; đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa mang tính chất Quốc lễ thường niên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền, góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc và khẳng định “  Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ “đồng hóa” của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương, định đô ở Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944”. Chính vì vậy, hội thảo là dịp để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị vua anh hùng, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự chủ, tự cường và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống kiên cường của các thế hệ cha ông.

Chủ tọa điều hành hội thảo

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng nêu rõ, sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Công lao to lớn của Ngô Quyền đối với đất nước, sử sách nước ta trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rõ, song giới sử học và các cơ quan liên quan vẫn đặt ra nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và nghiên cứu sâu sắc hơn về Ngô Quyền. Trong thời gian gần đây, một số cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền đã được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành. Những nguồn tư liệu, tài liệu này được tổng hợp tương đối đầy đủ thông qua các kết quả nghiên cứu về Ngô Quyền trong những năm gần đây do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, Hội thảo khoa học “Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước” nhằm thêm một lần nữa khẳng định rõ các nguồn tư liệu, thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng Vương ở Cổ Loa nói riêng; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: Ngô Quyền và triều Ngô tại kinh đô Cổ Loa; sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền – Di sản và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị.

Tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã trình bày báo cáo về Định hướng xây dựng Đền thờ Ngô Quyền tại Kinh đô Cổ Loa, xác định dự kiến vị trí xây dựng cùng phương án kiến trúc hài hòa với không gian cảnh quan và các di tích xung quanh.

Với 21 tham luận, cùng nhiều ý kiến phân tích, bình luận, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản đã làm rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ X, thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền; ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc; công cuộc xưng vương, định đô ở Cổ Loa và những đóng góp của Ngô Quyền xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Đồng thời đặt ra nhiều vấn đề bảo tồn phát huy giá trị  tinh thần bất biến của thời kỳ Ngô vương, trong đó có việc xây dựng Đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa, về mặt khoa học bảo tồn, là công trình xây dựng mới, công trình tưởng niệm của hậu thế tôn vinh công lao vĩ đại của bậc tiền nhân.

Các đại biểu cũng thống nhất đề xuất rất cần xây dựng một công trình tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa để tôn vinh công lao của vị Tổ trung hưng đất nước, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo khoa học “Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước” là nguồn tư liệu khoa học nhằm khẳng định vị trí và vai trò của Ngô Quyền và triều Ngô trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cũng như những đóng góp về mặt lịch sử, khoa học đối với di tích Cổ Loa, củng cố cơ sở khoa học phục vụ dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính đối với vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam; xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội thường niên tại Cổ Loa để tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc.”Cả hai nội dung này thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, quyết định thực hiện trong thời gian tới, trong đó, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền được định hình theo quy hoạch 1/2000 đã được Thủ tướng phê duyệt; Thành ủy, UBND thành phố đã có chủ trương. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và các nhà khoa học đã nghiên cứu, chuẩn bị địa điểm xây dựng mô hình kiến trúc bước đầu. Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cũng đã có văn bản báo cáo với Thành ủy, UBND thành phố xin được giao phần nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thông tin.

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm với chủ đề cùng tên. Triển lãm thể hiện bằng hình thức pano, giới thiệu với công chúng về thân thế, sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền theo 3 chủ đề chính: Quê hương và dòng tộc; Ngô Quyền – vị tổ trung hưng đất nước và Sống mãi cùng non sông. Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho các thế hệ.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button