Khai mạc triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội
Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, sáng nay, 9/10/2020, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã khai mạc triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời”. Tham dự có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa Thành cổ, cùng nhiều đại biểu đại diện các ban ngành thành phố và đôngđảo du khách tham quan. Triển lãm làm nổi bật vai trò vàtầm nhìn thiên niên kỷ của đức vua Lý Thái Tổ với dấu mốc dời đô về kinh đô Thăng Long năm 1010, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng và cho đến ngày nay mãi mãi là kinh đô thắng địa, thủ đô vững bền và phát triển của cả nước.
Triển lãm giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, gồm 03 nội dung: 1- Đức vua Lý Công Uẩn và quyết định dời đô, 2- Kinh đô Thăng Long, 3- Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm (ảnh: Thanh Tùng)
Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long, mở đầu trang sử mới của vùng đất núi Nùng, sông Nhị. Trong Chiếu Dời đô, đức vua đã khẳng định vị trí địa linh nhân kiệt của mảnh đất Thăng Long – Rồng bay: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước… Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Trong 1010 năm lịch sử ấy, Thăng Long – Hà Nội là nơi diễn ra những sự kiện lớn lao; nơi chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của riêng mảnh đất này và của đất nước. Kể từ ngày định đô cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long là Kinh đô của nước Đại Việt, là trung tâm của nền văn minh Đại Việt. Trong thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân – Huế, nhưng Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của đất nước. Dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nội lại được chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đầu tiên của nướcViệt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn là Thủ đô nước ViệtNam độc lập; từ năm 1976, Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam độc lập và thống nhất.
Ngày hôm nay, Hà Nội – Thủ đô “lắng hồn núi sông ngàn năm” tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã nhấn mạnh: Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” đã nói đến sức sống mãnh liệt của dân tộc chúng ta, sức sống mãnh liệt của Thăng Long – Hà Nội, thủ đô anh hùng, bồi đắp niềm tự hào lớn lao cho mỗi công dân thủ đô, những người được sinh sống, làm việc trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội lịch sử này.
Không gian triển lãm (ảnh: Thanh Tùng)
Xuyên suốt hơn một thiên niên kỷ và còn tiếp nối đến mai sau, Thăng Long – Hà Nội vẫn đang khẳng định vị thế Kinh đô – Thủ đô của đất nước; khẳng định tầm nhìn vượt thời đại của đức vua Lý Thái Tổ về mảnh đất đế đô muôn đời. Và như nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) nhận định “Đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có “Núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương (sông Hồng) như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có… là nơi trung tâm của đất nước, bốn phương chầu về. Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này”.
Triển lãm mở cửa từ ngày 9/10/2020 tại Khu di sảnHoàng thành Thăng Long, số 19c Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội