Hội thảo khoa học Quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới (2010 – 2020), chiều ngày 23/11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”. Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ Thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo đồng chí Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa Thế giới, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ ngành liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Hội thảo khoa học Quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long” là dịp để Thành phố nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của Khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trên nhiều phương diện như qui hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị…, từ đó đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Khu di sản.
Giáo sư Lê Văn Lan phát biểu về chương trình phát huy giá trị di sản
Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản và tập trung thảo luận hai chủ đề chính: Chủ đề 1: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (từ năm 2010 đến năm 2020) và định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc; Chủ đề 2: Quản lý bền vững các Khu Di sản ở Việt Nam và Thế giới – kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản.
Tại Hội thảo các nhà hoa học trong nước và quốc tế đã báo cáo nhiều kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long trong một thập kỷ qua trên các phương diện: khai quật khảo cổ học, nhận diện kiến trúc, đặc biệt là kết quả tổng thể thực hiện 8 cam kết của Chính phủ với Ủy ban di sản thế giới về Hoàng thành Thăng Long.
Theo TS. Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ (tỷ lệ 1/500) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu; nghiên cứu các nghi lễ trong cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể. Việc thực hiện 8 cam kết của Chính phủ với Ủy ban di sản thế giới cũng được triển khai rất nghiêm túc: từng bước nhất thể hóa quản lý di tích, di vật; mở rộng khai quật khảo cổ học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và bộ máy tổ chức; nỗ lực đưa di sản đến với công chúng…
Tại Hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chia sẻ đầy xúc động về giờ phút Hà Nội nhận tin vui, Hoàng thành thăng Long trở thành di sản thứ 900 của thế giới. Đồng thời đánh giá cao sự chung sức đồng lòng của các bộ ngành Trung ương và Thành phố, sự nhiệt huyết của các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong công tác lập hồ sơ đề cử và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lúc đó giữ cương vị Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn Lâm KHXH VN) đã xúc động ôn lại quá trình từ lúc mở những hố khai quật đầu tiên, đến giây phút vui mừng xúc động đón tin vui di sản thế giới: “ Từ những nhát cuốc đầu tiên đến hành trình trở thành di sản thế giới là những ngày tháng đồng tâm hợp lực, chung sức của nhiều nhà khoa học, của nhiều cơ quan, bộ ngành và thành phố Hà Nội, nỗ lực cao nhất vì di sản Hoàng thành Thăng Long”, PGS. TS Trần Đức Cường chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Trong 10 năm qua, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật tại khu vực sát thềm rồng hiện nay, để phát lộ khu vực chính điện Kính Thiên. Đã có một số căn cứ khoa học để phục dựng không gian điện Kính Thiên, đó là tập trung tìm hiểu cấu trúc, vị trí quy mô và diện mạo của chính điện Kính thiên thời Lê, kết hợp chặt chẽ với tìm hiểu chính điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần. Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), những khám phá khảo cổ học trong thời gian qua tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng xác thực về mô hình kiến trúc cung điện thời Lý, thuộc loại kiến trúc đấu củng, có thể dễ dàng tìm được nét tương đồng trong cung điện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, quy mô, số gian, vị trí cụ thể của điện Kính Thiên như thế nào thì vẫn là một ẩn số và các nhà khoa học vẫn đang từng bước đi giải ẩn số đó nên việc phục dựng mới chỉ dừng ở các bản vẽ 3D.
Các chuyên gia quốc tế cũng trình bày báo cáo, đề xuất một số nội dung liên quan đến việc bảo tôn tạo các kiến trúc Pháp trong khu di sản, đề xuất sửa chữa, biến đổi công năng tòa nhà Vaxuco thành Khu trưng bày hiện vật hoàng cung.
Chuyên gia quốc tế phát biểu tham luận tại Hội thảo
Ở chủ đề 2, các tham luận nhìn chung đánh giá cao công tác phát huy giá trị của Khu di sản trong thời gian qua, đặc biệt là chương trình giáo dục di sản, giáo dục công chúng. Nhiều nhà khoa học và cán bộ chuyên môn đã đề xuất những ý kiến tâm huyết để đẩy mạnh việc kết nối di sản với công chúng. Bà Phạm Thị Thanh Hường, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng: Di sản Hoàng thành Thăng Long cần quan tâm đầu tư cho hoạt động diễn giải, tái hiện không gian văn hóa lịch sử để du khách dễ dàng tiếp cận và hình dung; kết nối với các di tích xung quanh Hà Nội để kể câu chuyện về Thăng Long – Hà Nội, về các làng nghề và truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc; đồng thời kết nối với các nghệ sỹ, thế hệ trẻ để phát huy được sáng kiến, sáng tạo của thế hệ trẻ trong gìn giữ, bảo tồn di sản”.
GS Lê Văn Lan cũng đánh giá: Trong những năm vừa qua, Trung tâm đã có hướng di đúng đắn khi tập trung hướng đến đối tượng công chúng trẻ, chọn đúng đối tượng, chọn đúng thời điểm và chọn trúng chủ đề gắn với các em nhỏ trong các dịp lễ, tết, trung thu để mang đến cho các em những hoạt động và kiến thức bổ ích.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nan nhấn mạnh: Trong mười năm qua, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long đã đi đúng hướng, đảm bảo thực hiện các khuyến nghị của UNESCO. Trong thời gian tới Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tập trung nghiên cứu khu vực Điện Kính Thiên, thu thập dữ liệu khoa học để phục dựng Điện Kính Thiên, đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học và nhân dân.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội