Phát lộ thêm các dấu tích quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày 22/4/2021, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức hội thảo “ Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021”.
Quang cảnh hội thảo
Khu vực khai quật có diện tích 1000 m2 , nằm ở phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên. Tiếp nối kết quả khai quật từ các năm trước, hố khai quật được phát triển mở rộng về phía gần di tích Hậu Lâu để tìm kiếm các nền móng công trình có thể nằm trong khu vực hậu điện xưa kia.
PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phụ trách đoàn khai quật thăm dò năm 2021 tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cho biết, cuộc khai quật đã tiếp tục làm xuất lộ tầng văn hóa dày 4,5m, với các di tích, di vật chồng xếp lên nhau có niên đại từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Đây cũng là tầng văn hóa đầy đủ và đặc trưng của di sản Hoàng thành Thăng Long trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Báo cáo sơ bộ cho thấy, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số dấu tích quan trọng, có niên đại từ sớm đến muộn.
Sự xuất hiện của hai mộ xây gạch thời Tiền Thăng Long ở tầng sâu nhất cho thấy dấu tích cư trú sớm trong khu vực này, từ khoảng thế kỷ IV- VI, trước thời kỳ Đại La (thế kỷ VII- IX).
Dấu tích móng cột sỏi thời Lý xuất lộ nhiều, có dấu hiệu tương tự như những dấu tích phát hiện tại khu vực 18 Hoàng Diệu. Điều này cho thấy sự phân bố của kiến trúc thời Lý ở khu vực chính điện Kính Thiên, mà trước đây còn vắng bóng trong các hố đào năm 2019.
Thời Trần, phát hiện hai dấu tích cống nước và một dấu tích kiến trúc tròn. Kiến trúc tròn kiểu này trước đây cũng đã xuất lộ ở gần Đoan Môn và chùa Báo Ân. Có ý kiến gợi ý đây là một tiểu cảnh trong Hoàng Cung Thăng Long thời Trần, cũng có ý kiến cho rằng đó là dấu tích tâm linh để thực hiện một nghi lễ cúng tế nào đó thời Trần. Tuy vậy, hiện chưa xác định rõ được chức năng của dấu tích kiến trúc bí ẩn này trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.
Dấu tích kiến trúc tròn thời Trần
Kiến trúc thời Lê Sơ được nhận diện với các dấu tích bó nền, móng nền, móng cột, nền sân. Đây là những dấu tích tiếp nối về phía Bắc của các dấu tích Lê sơ đã xuất lộ năm 2019. Ngoài ra, còn phát hiện nhiều vật liệu kiến trúc và một bộ phận mô hình kiến trúc tráng men thời Lê sơ. Như vậy, cuộc khai quật tiếp tục làm giàu thêm tư liệu giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cấu trúc của chính điện Kính Thiên.
Các dấu tích thuộc thời Lê Trung hưng xuất lộ với mật độ dày, bao gồm móng tường, cống nước, bể nước, ngòi nước, sân gạch, đường đi, giếng nước và kiến trúc nhiều gian. Kết quả này cho thấy, có lẽ tiểu cảnh vườn hoa được phát hiện ở hố đào năm 2019 đã tiếp tục mở rộng về phía Bắc, với các dấu tích móng tường bao, cống nước, ngòi nước, đường đi. Ranh giới vườn hoa cũng được xác định rõ nét hơn bởi có một tường bao lớn ngăn cách với khu vực kiến trúc trung tâm cùng thời ở phía Tây. Bên trong tường bao, phát hiện sân gạch và giếng đá có độ sâu 6,5 m. Theo PGS.TS Tống Trung Tín thì đây là giếng đá đẹp và có độ sâu kỷ lục, có thể sâu hơn đáy sông Hồng 1-2 m.
Giếng nước thời Lê Trung hưng
Khu vực sát di tích Hậu Lâu đã phát hiện một móng nền kiến trúc lớn, gợi ý về một dấu tích kiến trúc lớn thời Lê Trung hưng nằm dưới móng nền Hậu Lâu thời Nguyễn. Những dấu tích nền móng này cùng với dấu tích móng cột lớn phát hiện năm 2019 đã đặt ra câu hỏi cho các nhà nghiên cứu để tiếp tục giải mã, có thể liên quan đến dấu tích điện Cần Chánh thời Lê – Nguyễn?
Đợt khai quật cũng đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá… là các loại vật liệu xây dựng Hoàng cung Thăng Long, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung thời kỳ Thăng Long và một số ít thuộc thời tiền Thăng Long. Đáng chú ý có hai loại di vật khá đặc sắc: Chậu đất nung cỡ lớn, cao 55cm, đường kính miệng 120cm, màu đỏ tươi, vành chậu có trang trí hoa sen, hoa mai và “liên châu” mang đặc trưng của thời Trần. Chậu có một lỗ thoát nước đặt xiên về một bên gần đáy chậu. Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn thuộc thời Trần. Tuy nhiên, chiếc chậu này được sử dụng làm gì trong Hoàng cung thì các nhà nghiên cứu cũng chưa biết được.
Chậu gốm thời Trần
Một phần mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê sơ cũng được tìm thấy. Đây có thể là mô hình một kiến trúc có nhiều tầng mái. Phần còn lại chưa cho phép hình dung tổng thể về kiến trúc này nhưng cũng cung cấp nhiều chi tiết quan trọng về kiến trúc thời Lê sơ như cấu trúc một phần mái ngói, các cấu kiện đấu củng, độ cong của góc đao và lá mái, cấu kiện gỗ đỡ diềm mái, đầu dư chạm rồng.
Thảo luận tại hội nghị, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, nhưng cũng cho rằng kết quả khai quật từng năm phải được nghiên cứu chỉnh lý, kết nối, hình dung để thấy bức tranh tổng thể mặt bằng kiến trúc trong khu vực chính tâm Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo đều quan tâm đến những nghiên cứu cụ thể để bổ sung tư liệu, làm sáng rõ hình thái kiến trúc các cung điện trong hoàng cung Thăng Long, phục vụ nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực chính điện Kính Thiên năm nay phong phú, đa dạng, nhiều cái mới, giúp các nhà nghiên cứu từng bước có cái nhìn toàn diện về trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy vậy còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã. Việc khai quật khảo cổ phải hướng đến mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên, đồng thời kết hợp mở rộng nghiên cứu so sánh để giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ, chuẩn bị dữ liệu đầu vào cho dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Kim Yến