Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ”
Ngày 12/11/2021, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế năm 2021 với chủ đề “Nhận diện Hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ”. Tọa đàm sẽ là dịp trao đổi với các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia kiến trúc cổ Trung Quốc trong việc xác định đặc trưng, hình thái, kỹ thuật xây dựng và kỹ thuật lợp mái của kiến trúc cung điện thời Lê sơ (thế kỷ 15-16).
Tham dự Tọa đàm khoa học có các nhà khoa học Việt Nam đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Quản lý di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)… và một số nhà khoa học quốc tế đến từ Bảo tang Cố cung và Đại học Đông Nam (Trung Quốc). Các đại biểu ở xa tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Trong lịch sử cổ trung đại phương Đông, kiến trúc cung điện là khái niệm chung để nói đến các loại hình kiến trúc do triều đình xây dựng. Các công trình kiến trúc đó được thiết kế xây dựng chủ yếu ở bên trong các kinh thành hay bên ngoài kinh thành. Đây là các công trình có kiến trúc rất đặc biệt, thể hiện quyền lực tối cao của Hoàng đế, được xây dựng công phu và trang trí nghệ thuật mang đậm dấu ấn mỗi triều đại.
Những cuộc khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua đã phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc cung điện thông qua hệ thống nền móng cùng nhiều loại hình di vật vật liệu kiến trúc đặc sắc. Đó là dấu tích các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng thành và Cấm thành của kinh đô Thăng Long từ thời Lý (Thế kỷ 11-13) kéo dài đến thời Lê (Thế kỷ 15-18). Việc nghiên cứu nhận diện về tính chất, chức năng, tên gọi, hình thái… của các công trình kiến trúc cung điện qua các triều đại hiện vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ.Tọa đàm lần này tập trung làm sáng tỏ những nội dung cơ bản sau:
- Công bố kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, sử học về kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa);
- Nhận diện hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng cung Thăng Long dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học;
- Nhận diện kỹ thuật xây dựng và hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ qua tư liệu khảo cổ học, sử học và qua nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở châu Á;
Tại tọa đàm, các chuyên gia Việt Nam trình bày một số tham luận đáng chú ý như: TS. Nguyễn Văn Đoàn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) trình bày tham luận “Đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ qua nghiên cứu, khai quật di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)”; PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) trình bày tham luận “Một số cấu kiện kiến trúc gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện Kính Thiên”; PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành) trình bày tham luận “Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê sơ dựa trên tư liệu khảo cổ học và nghiên cứu so sánh Cung điện cổ Châu Á”. Một số học giả Trung Quốc trình bày trực tuyến các tham luận liên quan đến kiến trúc cung điện Trung Hoa: PGS.TS Từ Bân (Bảo tàng Cố Cung – Trung Quốc) “Điện Chữ Công “工” trong Loại hình Kiến Trúc Cung Điện”; PGS.TS Xu Hua Xeng “Nghiên cứu nền móng kiến trúc Tử Cấm Thành Bắc Kinh qua tư liệu Khảo cổ học”; PGS.TS Gia Cát Tịnh “Phục dựng bố cục Cung điện Nam Kinh năm Hồng Vũ nhà Minh (1368-1398) dựa trên khảo cổ, hiện vật và các ghi chép về quy trình lễ nghi”…
Tọa đàm khoa học Quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ” là cơ sở khoa học tin cậy cho việc làm rõ giá trị cơ bản của những phát hiện khảo cổ học, góp phần thiết thực cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá khu di sản cũng như đặt nền móng cho chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.
Bùi Thu Phương