Tham luận ngày 8/9/2022: Hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”
Ban điều hành tham luận Hội thảo quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội” sáng ngày 8/9/2022:
- PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồngtư vấn khoa học nghiên cứu khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội;
- PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam – Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội.
- PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia.
Tham luận của Giáo sư Tống Trung Tín
Tổng quan kết quả 20 năm khảo cổ học kinh đô thăng long (2002-2022) và 10 năm khảo cổ học khu vực không gian chính điện Kính Thiên (2011 – 2022)
Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn – Hội sử học Hà Nội
Điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế Đại Việt. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần… Do đó điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV – XVIII).
Năm1816 vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lí do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật. Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Trong bài viết này chúng tôi căn cứ vào các nguồn sử liệu để nghiên cứu quá trình xây dựng, cấu trúc nền móng và phân gian kiến trúc của các chính điện triều Lý, Trần, Hồ, Lê (Lam Kinh) và Nguyễn từ đó đưa ra hướng nghiên cứu tìm hiểu về cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu góp phần nhỏ bé hướng tới việc nghiên cứu, phục dựng chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê trong khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Tham luận của ông Nguyễn Quang Ngọc – Chủ nhiệm Bộ môn văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam
Kết quả khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã bước đầu giải mã nhiều điều bí ẩn ở Trung tâm Cấm thành Thăng Long, trong đó có Tân cung.
Tân cung (hay Cấm trung) không phải là toàn bộ Cấm thành Thăng Long mà chỉ là một phần nhỏ nằm gọn bên trong phần Tây Bắc của tòa Cấm thành.
Nhận diện của Tân cung đầu XIII là có thêm cơ sở khoa học xác định vị trí ngàn năm không thay đổi của các tòa Chính điện Càn Nguyên – Thiên An – Kính Thiên, cùng với trục chính tâm của Cấm thành Thăng Long nằm ở phía Đông, ngay cạnh Tân Cung.
Tham luận của ông Olivier Tessier
Tổng quan về lịch sử Kinh thành Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XIX thuật lại từ nguồn tư liệu Việt Nam và phương Tây
Với sự lên ngôi của Hoàng đế Gia Long năm 1802 và việc chuyển thủ đô của đất nước thống nhất vào Huế, Thăng Long – Hà Nội mất vị thế của một trung tâm chính trị và không còn được sở hữu Hoàng thành hay Cấm thành nữa. Thay vào đó, một tòa thành mới lấy cảm hứng từ nguyên tắc công sự của Vauban được xây lên. Biến động cảnh quan đô thị đầu tiên này tạo nên điểm khởi đầu cho con đường mà chúng tôi đề xuất đi theo thông qua việc lần lại những biến đổi chính do các hoàng đế kế nhiệm của triều Nguyễn thực hiện lên Kinh thành Thăng Long xưa nhằm tước bỏ đặc tính trời và đất, biểu trưng cho vương quyền. Để làm điều này, hai nguồn tư liệu chính được huy động và so sánh chéo: biên niên sử và sử ký hoàng gia được viết vào thế kỷ XIX và một chuỗi bản vẽ kinh thành, đặc biệt, bản vẽ chi tiết theo “phong cách châu Âu” từ năm 1821 đến 1831.
Sự can thiệp của thực dân đã đẩy nhanh quá trình giải thiêng này và đặt dấu chấm hết cho nó. Trong mười lăm năm, từ trận chiếm thành thứ hai do Henri Rivière chỉ huy năm 1882 đến việc dỡ bỏ các thành lũy đã hoàn thành vào năm 1897, những chủ nhân mới của đất nước đã kịch liệt phá hủy các tòa nhà dành cho các quan và các tòa nhà chức năng cho việc sinh hoạt nội thành (cửa hàng, khu trại lính, v.v.) đã được thay thế bằng các tòa nhà mang mục đích quân sự và trần tục. Mọi hành động tự nguyện này là một phần của lôgic hiện thực hóa các thể chế thuộc địa trong không gian đô thị dựa trên sự phủ định giá trị lịch sử và bản sắc mà tòa thành thể hiện. Ở đây, nguồn tư liệu có thể dùng được đa dạng hơn và kết hợp tài liệu từ trung tâm lưu trữ dân sự và quân sự của Pháp, du ký, sơ đồ niên đại của thành và ảnh chụp.
Tham luận của ThS. Đỗ Đức Tuệ – Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội
Nhận diện kiến trúc cung điện thời Lê qua hệ di vật tiêu biểu phát hiện tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long
Tham luận của TS. Phạm Lê Huy – Khoa Đông Phương, Trường ĐHKHXH&NV
Quy hoạch kinh đô Thăng Long thời Lý – Trung tâm thiên hạ của Đại Việt nhìn từ bối cảnh Đông Á
Ban điều hành tham luận Hội thảo quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội” chiều ngày 8/9/2022:
- PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồngtư vấn khoa học nghiên cứu khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội;
- PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam – Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội.
- Ông Christian Manhart – Trưởng văn phòng đại diện Unesco tại Việt Nam
Tham luận của Ms. Marie Laure Lavenir – Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế ICOMOS
Nguyên tắc về tính xác thực của Di sản và Hiến chương Venice
Tham luận trực tuyến của GS. Robin Conningham
Vai trò của khảo cổ học bảo tồn và phục hồi di tích khảo cổ đối với nhận thức về di sản và lịch sử ở châu Á
Tham luận của TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế
Một số gợi ý từ mối quan hệ giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh ở kinh đô Huế thời Nguyễn trên góc độ bố trí không gian nghi lễ
Tham luận của Phó trưởng ban Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ
Kết quả nghiên cứu khảo cổ họ thành nhà Hồ và so sánh với dấu tích khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Tham luận của ThS. Nguyễn Viết Trọng – Giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân
TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội
Phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long
Tham luận của Mr. Emmanuel Cerise – Giám đốc PRX Việt Nam (đại diện của Vùng Ile de France) tại Hà Nội
Gợi ý mô hình và quy hoạch không gian trưng bày khảo cổ và kiến trúc cho khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Hà Nội, cơ hội hợp tác giữa Hà Nội và vùng Ile de France