Phát huy Phát huy Giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Công ước Bảo vệ Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Từ khi tham gia Công nước vào ngày 19/10/1987 đến nay, Việt Nam đã có 08 di sản văn hóa, thiên nhiên và hỗn hợp được ghi vào Danh mục di sản thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước, bộ máy quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương đang được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ Di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ Di sản thế giới… Các di sản thế giới tại Việt Nam đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hoá, lịch sử truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

   

Chiều ngày 24/03/2023 tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức “Hội thảo quốc tế “Phát huy Phát huy Giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng ông Lazare Eloundou Assomo – Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo bộ ngành trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản và Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực Lịch sử, Khảo cổ, Bảo tồn, Bảo tàng, Di sản… và đại diện cộng đồng.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng, với 02 chủ đề: Phát huy vai trò của Di sản văn hoá và Thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản – thực tiễn và kinh nghiệm. Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Những di sản này không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” đánh dấu quá trình hơn 35 năm Việt Nam tham gia Công ước 1972, đồng thời là dịp cùng nhau trao đổi, định hướng giải pháp nâng tầm, đẩy mạnh vai trò, giá trị của các di sản trong giai đoạn mới.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa cơ quan quản lý di sản quốc gia và di sản thế giới. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần phải lồng ghép nhiều giải pháp, trong đó có cả bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Bởi trong công tác bảo tồn phải tính đến sự hài hoà giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ.

Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Sau khi được UNESCO ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản để tuyên truyền và lưu lại cho các thế hệ mai sau. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản… Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trong quá trình bảo tồn và quản lý di sản, những thách thức như cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số… Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An chia sẻ: Một trong những bất cập của khu đô thị cổ Hội An là những thách thức cần được giải quyết về các mối quan hệ giữa bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể…

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn, quy trình thủ tục, hướng dẫn cách thức, trình tự tháo gỡ khó khăn và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Kết quả của Hội thảo đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Sau đó ngày 25/3/2023, ông Lazare Eloundou Assomo – Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đã dành một ngày thăm và làm việc tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Ban biên tập
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button